Du xuân trên núi Đá Chồng

Hằng năm, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, không ít người có thú vui lên núi Đá Chồng (nằm trên địa bàn thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải) thưởng ngoạn phong cảnh.

(NTO) Chọn núi Đá Chồng xuất hành trong ngày đầu năm bởi đây là ngọn núi đẹp, độc đáo. Khách lần đầu đến chắc chắn phải ngỡ ngàng trước sự khéo sắp đặt của “bàn tay tạo hóa”. Giữa một vùng đất bằng phẳng, nằm sát biển, bất ngờ nổi lên một ngọn núi với vô số tảng đá đủ các hình thù lớn nhỏ nằm chồng chất lên nhau. Một buổi ban mai, khi ánh mặt trời vừa nhô lên từ biển, đứng trên cao ngắm nhìn, chợt thấy núi Đá Chồng đẹp tựa như tranh. Vô số hòn đá nhẵn bóng tiếp nhận ánh mặt trời chuyển đổi sắc màu huyền ảo. Người giàu cảm xúc tha hồ tưởng tượng, có hòn đá giống hình thù Tôn Ngộ Không, có hòn giống tượng Quan âm Bồ Tát…

Núi Đá Chồng. Ảnh: Văn Miên

Nhưng nhìn tổng thể, núi lại giống một con chim Phụng khổng lồ, nên các nhà địa lý xưa gọi núi Đá Chồng là “Phụng Sơn”. Do có thế “địa linh”, nên từ lâu con người đã xây dựng một số công trình thờ tự trên núi, như chùa Trùng Sơn, Trùng Quang, Văn miếu thờ Khổng Tử và mới đây là Thiền viện Trúc lâm Viên Ngộ. Cảnh trí tĩnh mịch, khiến cho con người mỗi khi lên đây như trút bỏ được ưu phiền, tâm hồn thanh thản. Anh Phan Văn Dũng, ở thị trấn Khánh Hải, thổ lộ: “Năm nào cũng vậy, mồng một tết là cả gia đình mình lên chùa hái lộc, cầu mong một năm dồi dào sức khỏe, gặp nhiều may mắn”.

Không riêng gì người dân quanh vùng, mà khách phương xa cũng có những nhận xét hay. Anh Nguyễn Cường, ở TP. Hồ Chí Minh, trong một chuyến du lịch đầu xuân về Ninh Chữ, tò mò leo lên núi, thấy cảnh vật kỳ thú, thốt lên: “Núi ở đây lạ thật, cây không mọc từ đất mà ngoi lên qua các khe đá”. Ông Nguyễn Lại, sống dưới chân núi hơn 30 năm nay, cho biết đã trồng thử nhiều loại cây, nhưng chỉ có cây duối, cây me là sống tốt. Những cây duối mọc len lỏi ở ngách đá ước chừng hàng trăm năm tuổi, nhưng chỉ cao hơn tầm đầu, vươn cành là tà đủ che mát cho vài người.

Cơ sở thờ tự được xây dựng trên núi Đá Chồng đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của tín đồ Phật giáo

Mỗi người lên núi Đá Chồng có một ý niệm riêng, như anh Nguyễn Tuấn Thanh, giáo viên dạy Ngữ văn ở Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận, lên núi trong ngày xuân mới trước là để tưởng nhớ Đức Khổng Tử, một triết gia nổi tiếng, được nhiều người phương Đông ngưỡng mộ, sau nữa ngắm cảnh đẹp thiên nhiên. Anh cam đoan rằng, chỉ có đứng trên núi Đá Chồng nhìn xuống mới thưởng thức hết vẻ đẹp của biển Ninh Chữ. Còn ông Bảy Qua, ở Dư Khánh, thị trấn Khánh Hải vào Nam sinh sống, mỗi lần về quê ăn Tết thế nào cũng lên núi để nhớ lại những kỷ niệm của tuổi thơ. Tảng đá Nhà nằm về phía Đông núi, trong có lổ hổng rộng khoảng 10m2 là nơi khi xưa ông cùng chúng bạn thường vào tránh nắng trong những buổi trưa hè. “Ai bảo đá vô hồn, thực chất đá có “tình” hơn ta tưởng. Những khi trời nóng nực, đá “rịn mồ hôi” phả hơi mát cho người. Mỗi buổi hoàng hôn, thả hồn nghe các "bản nhạc" vi vu của gió thổi qua các vách đá, mới hay đá cũng biết thổn thức”. - ông Qua lãng mạn, nói.

Núi Đá Chồng thực sự là một thắng cảnh đẹp. Gần đây, nhất là khi Thiền viện Trúc lâm Viên Ngộ được xây dựng, những ngày lễ, tết, hàng trăm người từ mọi nơi đổ về dâng hương, niệm Phật, du khách thưởng ngoạn ngày càng đông đúc. Xuân này, bạn thử lên núi Đá Chồng vãng cảnh, để biết được quê hương mình nơi nào cũng đẹp.