(NTO) Ông là một trong những người thành lập và duy trì hoạt động Ban liên lạc đồng hương Ninh Thuận tròn 20 năm qua. Ban liên lạc đồng hương là chốn đi về giữ ấm tình người Ninh Thuận sinh sống tại thành phố mang tên Bác.
Ông Phạm Văn Thọ giới thiệu hình ảnh hoạt động đền ơn đáp nghĩa
của Ban liên lạc đồng hương Ninh Thuận.
Tiếp chuyện chúng tôi trong căn phòng tĩnh lặng của khu chung cư, ông Thọ thân tình pha ấm trà mời khách quê. Bước qua lớp tuổi của những người “xưa nay hiếm” bước đi dáng đứng của ông vẫn nhanh nhẹn, cách nói chuyện hào sảng như thuở còn là trai làng Phú Quý. Chúng tôi muốn nhắc tới địa danh Phú Quý bởi lẽ ông tự hào giới thiệu “bổn quán” ngay sau cái bắt tay đầu tiên: “Nhà chú hồi nhỏ ở ngã ba đường vô làng dệt Mỹ Nghiệp đó. Chú xa quê gần 60 năm nhưng lòng luôn đau đáu nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn. Nhất là vào dịp tết đến, xuân về thì nỗi nhớ làng, nhớ xóm càng thêm da diết. Người Ninh Thuận ở thành phố cảm thấy ấm lòng vào dịp tết hàng năm được lãnh đạo tỉnh vào thăm, gặp mặt chúc tết và thông báo tình hình kinh tế- xã hội tỉnh nhà cho người xa quê được biết. Lãnh đạo tỉnh tặng ấn phẩm xuân Báo Ninh Thuận là món quà tinh thần được bà con chuyền tay nhau đọc”, ông tâm sự đậm chất giọng Phan Rang mộc mạc, thân tình.
Trò chuyện với người “giữ lửa” hoạt động Ban liên lạc đồng hương Ninh Thuận, chúng tôi được biết năm 1954 ông tập kết ra Bắc. Ông được tổ chức cử đi học đại học chuyên ngành Toán học. Sau khi ra trường, ông chuyển sang hoạt động trong quân đội. Đến ngày thống nhất đất nước, chuyển vào TP. Hồ Chí Minh công tác rồi nghỉ hưu với quân hàm trung tá. Ông tham gia thành lập Ban liên lạc đồng hương Ninh Thuận tại TP. Hồ Chí Minh do ông Phạm Ngọc Niên làm trưởng ban từ năm 1992; đến đầu năm 2003 bàn giao cho ông giữ nhiệm vụ trưởng ban, đến đầu năm 2011 bàn giao qua anh Lê Thuần Chương quê ở phường Đông Hải, đang công tác tại Quận ủy Gò Vấp. Anh Chương đi công tác Hà Nội “ủy quyền” cho ông Thọ tiếp phóng viên từ Phan Rang vô tìm hiểu người quê Ninh Thuận sinh sống tại thành phố. Suốt 20 năm qua, căn nhà chung cư của ông Thọ trở thành “văn phòng” Ban liên lạc đồng hương Ninh Thuận.
Anh Nguyễn Đông Triều (bìa phải) và các kỹ sư trẻ quê Ninh Thuận
làm việc tại Công ty TNHH Sản xuất- Xây dựng Kiến Tâm.
Ông Phạm Ngọc Thọ cho biết có khoảng 2.000 người quê Ninh Thuận làm ăn, sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh. Trong đó có nhiều người thành đạt trên các lĩnh vực kinh doanh, y học, nghệ thuật, khoa học- kỹ thuật. Ban liên lạc chỉ mới “kết nối” được 300 người tham gia sinh hoạt gắn kết tình quê hương giúp nhau lúc khó khăn. Những người tham gia đồng hương chủ yếu là đội ngũ cán bộ công tác trong các cơ quan, doanh nghiệp đã nghỉ hưu hoặc đương chức. Ban liên lạc tiếp tục mời gọi tất cả những người con Ninh Thuận ở TP. Hồ Chí Minh tham gia sinh hoạt đồng hương. Vận động đóng góp quỹ thăm hỏi bà con khi gia đình có việc hiếu hỉ, ốm đau. Và hàng năm tham gia hoạt động đền ơn đáp nghĩa, từ thiện xã hội cho quê nhà. Trong 20 năm qua, Ban liên lạc đã gởi về Ninh Thuận trên 300 triệu đồng chia sẻ khó khăn với bà con vùng lũ và tham gia xây dựng 5 căn nhà tình nghĩa và hỗ trợ cho các bếp ăn từ thiện Bệnh viện tỉnh và các huyện Thuận Bắc, Bác Ái. Tuy số tiền đóng góp chưa lớn nhưng bước đầu thể hiện tấm lòng người Ninh Thuận luôn hướng về quê hương. Niềm tự hào đáng trân trọng là con em quê Ninh Thuận sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh đều chí thú làm ăn, lập nghiệp. Điều tâm đắc ông Thọ là nhìn thấy đời sống quê nhà ngày càng phát triển, bà con xóm làng no ấm. Con em Ninh Thuận học hành thành đạt ngày càng đông, tích cực góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.
Quảng trường 16 Tháng 4 về đêm. Ảnh: Phan Bình
Trời non trưa, ông Phạm Ngọc Thọ ân cần đưa chúng tôi ra đường đón xe bus về xa cảng Miền Tây. Chúng tôi ra quận Bình Tân với ước mong tìm gặp anh Nguyễn Đông Triều, 39 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Xây dựng Kiến Tâm tại số nhà 313, đường Tên Lửa. Ít ai ngờ người đứng đầu doanh nghiệp chuyên ngành xây dựng tại quận Bình Tân quê gốc ở thôn Công Thành, xã Thành Hải, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm. Tốt nghiệp THPT, anh lên đường nhập ngũ tham gia bảo vệ Tổ quốc. Triều được điều động về công tác tại Đại đội Công Binh thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Tham gia xây dựng các công trình phòng thủ, anh lính trẻ Đông Triều “mê” công việc kiến trúc. Hoàn thành NVQS, anh dùi mài “kinh sử” thi vào khoa kiến trúc thuộc Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh. Đến năm thứ tư chương trình đại học, anh thôi học “lăn lóc” làm thuê cho các chủ thầu xây dựng. Đầu năm 2009, anh gom góp vốn liếng thành lập công ty riêng. Công ty anh có 20 lao động làm việc thường xuyên đều là người quê Phan Rang. Các kỹ sư trẻ Phan Thanh Phong, Trần Quốc Tân được Triều mời làm việc, thu nhập 8-10 triệu đồng/tháng. Anh đang tất toán công trình cuối năm, chuẩn bị đưa vợ con về Công Thành thăm quê, đón tết Nhâm Thìn. “Tâm nguyện của mình là làm ăn uy tín, bảo đảm chất lượng công trình, tạo việc làm cho nhiều lao động người quê Ninh Thuận”, Nguyễn Đông Triều chia sẻ.
Trước khi chia tay Nguyễn Đông Triều và nhóm kỹ sư trẻ quê Ninh Thuận làm việc tại Công ty TNHH Xây dựng Kiến Tâm, chúng tôi đưa số điện thoại của ông Phạm Văn Thọ cho các anh tham gia đồng hương Ninh Thuận tại TP. Hồ Chí Minh. Ban liên lạc đồng hương là chốn đi về “giữ lửa” tình thương yêu người quê sinh sống, lập nghiệp tại thành phố mang tên Bác. Mỗi độ tết đến, xuân về, những người con Ninh Thuận xa quê "cháy lòng" da diết nhớ tết quê.
Thái Sơn Ngọc