(NTO) Nếu như năm 2001 toàn tỉnh có gần 1.700 doanh nghiệp thì năm 2011 chỉ còn 1.000 doanh nghiệp hoạt động và có 48 doanh nghiệp phải giải thể do làm ăn thua lỗ. Trong bức tranh doanh nghiệp với nhiều gam màu tối vẫn có những doanh nghiệp biết cách vượt qua khó khăn, thách thức, đổi mới để đi lên. Một trong những doanh nghiệp như vậy là Công ty Cổ phần Xuất khẩu Nông sản Ninh Thuận.
Dây chuyền sản xuất hạt điều nhân của Công ty Cổ phần Xuất khẩu Nông sản. Ảnh: Sơn Ngọc
Cũng như các doanh nghiệp trong tỉnh, ngoài những khó khăn chung, Công ty Cổ phần Xuất khẩu Nông sản Ninh Thuận còn chịu ảnh hưởng bởi thị trường xuất khẩu truyền thống như: Trung Quốc, Mỹ… bị thu hẹp; khó khăn cho việc mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tỉ giá USD biến động liên tục ảnh hưởng đến hạch toán sản xuất, kinh doanh, chi phí giá thành tăng vọt. Trước tình hình trên, lãnh đạo công ty đã có quyết định mang tính đột phá, đó là đầu tư chiều sâu để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm để cạnh tranh. Mặc dù còn nhiều khó khăn về vốn, nhưng năm 2011, công ty đã quyết định bỏ ra 30 tỷ đồng để nghiên cứu, thiết kế và sản xuất thành công dây chuyền “Thiết bị cắt vỏ cứng hạt điều tự động”. Điều đáng hoan nghênh là công ty đã biết phát huy lợi thế đội ngũ công nhân kỹ thuật của mình, các cơ sở cơ khí trong tỉnh, cùng với thuê chuyên gia có trình độ cao là người Việt Nam để thiết kế, sản xuất, chạy thử và hoàn thiện dây chuyền công nghệ cắt vỏ cứng hạt điều. Nguyên lý hoạt động cơ bản của dây chuyền như sau: Hạt điều thô sau khi được xử lý nhiệt và làm nguội, được đưa vào phiễu chứa của gầu tải cấp liệu, kết hợp với băng tải phân phối hạt đến từng phiễu chứa của máy cắt tự động, sản phẩm sau khi cắt là một hỗn hợp gồm nhân, vỏ, vỏ dính nhân, hạt chưa cắt được băng tải thu gom qua hệ thống sàng để tách nhân, hỗn hợp còn lại được đưa qua hệ thống quạt thổi, hạt chưa cắt sẽ đưa qua hệ thống cắt lần hai.
Công đoạn đóng gói hạt điều nhân của Công ty Cổ phần Xuất khẩu nông sản. Ảnh: Sơn Ngọc
Với dây chuyền công nghệ mới, đã giảm 70% lao động trực tiếp tại bộ phận cắt tách, nếu trước đây cắt 1 tấn nguyên liệu cần 30 công nhân, thì nay chỉ còn 2 công nhân kỹ thuật vận hành máy và 5 công nhân thủ công phân loại hàng trên dây chuyền. Giảm được nhiều loại chi phí như: quản lý, nhân công, công cụ lao động…năng suất chế biến của nhà máy trước đây từ 50 - 70 tấn/ngày nay nâng lên 100 tấn/ngày và dự kiến sang năm 2012 là 150 tấn/ngày. Dây chuyền công nghệ mới còn tạo sự ổn định cho sản xuất, giúp công ty chủ động trong kế hoạch giao hàng cũng như thực hiện những đơn hàng lớn có tính đột xuất mà không phải phụ thuộc nhiều vào lao động giản đơn như trước đây. Nhờ vậy, sản xuất kinh doanh năm 2011 của công ty đạt và vượt kế hoạch: Doanh thu đạt 44 triệu USD/34 triệu USD, bằng 129.4%, lợi nhuận là 5,5 tỉ đồng, đạt 110%, tỉ lệ chia cổ tức là 20%, thu nhập bình quân người lao động là 2,4 triệu đồng/1,7 triệu đồng, đạt 141%. Thực hiện trách nhiệm xã hội, Công ty đã đóng góp 867 triệu đồng cho các quỹ: Đền ơn đáp nghĩa, Khuyến học, Xây nhà tình thương, Bếp ăn từ thiện Bệnh viện tỉnh…góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội theo Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Hạt điều nhân thành phẩm đưa ra thị trường tiêu thụ. Ảnh: Sơn Ngọc
Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Văn Chân, Tổng Giám đốc công ty cho biết: Đón trước tình hình nhân công lao động cho nhu cầu phát triển doanh nghiệp của tỉnh và khu vực các tỉnh, thành phía Nam ngày càng cao; tình hình thiếu lao động đang hiện diện ngay ở doanh nghiệp, nhất là vào thời điểm giao hàng đột xuất khối lượng lớn, mặt khác Công ty có chiến lược phát triển đội ngũ lao động kỹ thuật để sử dụng máy móc công nghệ mới cho năng suất lao động và chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Bằng sức mình là chính, với cách làm sáng tạo, dây chuyền thiết bị cắt vỏ cứng hạt điều tự động ”Made in Ninh Thuận” ra đời, là bước chạy đà trên chặng đường đổi mới của Công ty Cổ phần Xuất khẩu Nông sản tỉnh nhà. Trong năm 2012, Công ty tiếp tục nỗ lực thi đua sản xuất, góp phần cùng toàn tỉnh lập thành tích chào mừng kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh.
Mỹ Hạnh