Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Phước Thắng: Mô hình làm ăn mới ở vùng đồng bào Raglai

(NTO) Tuy mới đi vào hoạt động từ tháng 6-2011, nhưng bước đầu, Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp (HTX DVTH) Phước Thắng (Bác Ái), đã thể hiện được vai trò là mô hình làm ăn mới, có hiệu quả tại xã miền núi Phước Thắng vơi ưu thế đảm bảo dịch vụ đầu vào gắn với dịch vụ tiêu thụ toàn bộ sản phẩm cho nông dân. Đây cũng là mô hình HTX đầu tiên tại huyện Bác Ái, góp phần cùng địa phương thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Nông dân xã Phước Thắng, huyện Bác Ái chăm sóc ruộng lúa nước. Ảnh: VM

Anh Nguyễn Trọng Kha, Chủ nhiệm HTX Phước Thắng cho biết: Tuy mới hoạt động gần nửa năm nay, nhưng sau vụ hè- thu 2011, những kết quả từ các dịch vụ của HTX đã đem lại niềm tin về một phương cách làm ăn mới đối với người dân Phước Thắng vốn chưa quen với các mô hình sản xuất tập thể”. Hiện tại, HTX DVTH Phước Thắng có 12 xã viên (trong đó có đến 11 người là đồng bào Raglai) sản xuất trên diện tích hơn 50 ha. Với tổng vốn hoạt động hơn 240 triệu đồng, trong đó vốn lưu động là 200 triệu đồng.

Một trong những dịch vụ mà HTX đang thực hiện đó là cung ứng vật tư nông nghiệp. Ngoài việc mua những thiết bị nông nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu từ các địa chỉ cung ứng uy tín để cung cấp lại cho xã viên, HTX còn ký hợp đồng bán vật tư đối với bà con ngoài HTX ngay từ đầu vụ với mức lợi nhuận 9% doanh thu. Sau thu hoạch, hợp đồng sẽ được thanh toán. Đây tuy không phải là một cách làm mới, nhưng với Phước Thắng và đồng bào Raglai, thì từ ngày HTX cung cấp dịch vụ này, nỗi lo thiếu vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất dường như đã lùi xa. Việc ký hợp đồng bán trước trả sau cho bà con đã khắc phục được tình trạng bà con Raglai vì thiếu tiền và còn theo tập tục canh tác nhờ “nước trời” mà không sử dụng các biện pháp chăm sóc đúng cách để tăng năng suất cây trồng, thêm vào đó, HTX nhập các sản phẩm với nguồn gốc rõ ràng, chất lượng càng làm cho bà con yên tâm hơn khi sử dụng cho ruộng rẫy nhà mình. Anh Kha cho biết thêm, mỗi lần cung ứng vật tư, HTX sẽ cử chuyên viên kỹ thuật tới tận nhà để hướng dẫn cho bà con phương thức sử dụng và chăm sóc mùa màng, như vậy vừa đảm bảo vật tư được sử dụng đúng mục đích vừa nâng cao trình độ canh tác cho bà con. Chị Chamaléa Thị Nem, một nông dân nghèo, nằm ngoài HTX chia sẻ niềm vui: “Vụ hè- thu vừa rồi, ruộng thiếu phân, thiếu thuốc nhưng nhà nghèo quá, không có tiền mua, đành để lúa “đói” thôi. Nhưng nhờ HTX cho mua “khất” phân thuốc khoảng 4 triệu đồng rồi cho cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách chăm sóc kịp thời, khi thu hoạch 5 sào ruộng nhà mình được hơn 25 bao (bình quân 5 tạ/sào – PV), chứ bình thường chỉ đạt 15 bao (3 tạ/sào – PV) thôi.”

Là huyện miền núi với khó khăn nhất định về giao thông và tình trạng ép giá của các thương lái nên với bà con Bác Ái, dịch vụ thu mua nông sản tập trung của HTX đã trở thành nơi đáng tin cậy cho bà con khi thu hoạch. Anh Kha cho biết, sắp tới đây, HTX sẽ đứng ra thành lập một cơ sở gia công bóc tách hạt điều với số lượng khoảng 120 lao động, mang đến khoản thu nhập bình quân 1.400.000 đồng/ người/tháng, góp phần giải quyết việc làm cho lượng lao động nhàn rỗi và tăng thu nhập cho người dân địa phương. Ngoài ra, HTX còn đang lập hồ sơ xây dựng thương hiệu “măng khô Bác Ái”, một trong những loại sản phẩm mà HTX thu mua của bà con, với mong muốn mang loại đặc sản núi rừng này đến với thị trường trong và ngoài nước một cách bền vững.

Mô hình HTX DVTH ở vùng khó khăn như Phước Thắng đã giúp cho đồng bào Raglai tiếp cận và ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào canh tác, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho bà con nông dân. Dù vậy, nhưng với quy mô nhỏ và nguồn vốn khiêm tốn của mình, anh Nguyễn Trọng Kha cho rằng, trước mắt HTX rất cần được tiếp cận nguồn vốn vay để đi vào hoạt động có hiệu qủa và mở rộng các hình thức dịch vụ kinh doanh.