Lời nguyền khắc nghiệt
Nam Trà My, miền đất nằm lọt thỏm giữa đại ngàn Trường Sơn cách trở có đến 99% là người dân tộc: Cơ tu, Xê Đăng, Mơ Nông…nghèo khó nằm rải rác trong các cánh rừng với những luật tục hãi hùng. Người ta cho rằng xưa có một người vợ sinh đôi nhưng không chịu mang con bỏ vào rừng, một thời gian sau cả gia đình ấy đều mắc bệnh mà chết, riêng người chồng thì trở nên khờ dại và cứ lang thang mãi trong rừng.
Hay lời đồn có một người mẹ bị băng huyết rồi chết khi đứa trẻ vừa cất tiếng khóc chào đời, đứa trẻ ấy lớn lên lại không có được hình thù của một con người còn những người thân trong dòng họ lần lượt chết yểu không rõ nguyên nhân…Một số người ở đây quan niệm trẻ sinh đôi hoặc mẹ đã chết thì đứa con là con của “ma rừng” nên buộc phải trả về cho ma rừng; để nó sống dân làng sẽ bị ma rừng về quấy phá, đòi con.
“Ngày trước khi sinh đôi thì người ta bỏ cả hai chứ không giữ lại đứa nào hết, sau này mới có chuyện giữ lại một đứa để nuôi. Khi bỏ con vào rừng, người ta không chôn ngay mà bỏ vào một cái giỏ treo lên cây, rồi rào gốc cây ấy lại, khoảng 2 - 3 ngày sau thì mới đem đi chôn. Người ta cho rằng nếu ai không làm thế thì sẽ bị con “ma rừng” bắt phạt, bị bản làng xa lánh, thế nên ai cũng sợ”, anh Hải kể lại cái luật tục độc ác.
Anh Hải và bé Giang, đứa con của “ma rừng” nay đã lớn khôn.
Gần 15 năm công tác tại Trạm Y tế xã Trà Leng (Nam Trà My), anh Hải hiểu được tính chất khắc nghiệt của luật tục nhưng anh vẫn quyết định làm trái lời nguyền. Mỗi khi có đứa trẻ vô tội nào đó bị gia đình, người làng chối bỏ lúc mới cất tiếng khóc chào đời, anh lại bầm gan tím ruột. Nỗi đau trước số phận của những sinh linh bé nhỏ thôi thúc anh thanh niên này can đảm xé rào luật tục. “Dẫu biết là mạo hiểm, bước quá giới hạn của “người lạ” nhưng lương tâm không cho phép tôi dừng lại”, anh tâm sự.
Anh cũng một thời tuổi đôi mươi ấp ủ với bao mộng mơ, lãng mạn. “Tôi học Trung cấp Y tế Đà Nẵng, ra trường năm 1997 rồi xin về quê công tác, lúc ấy, 2 huyện Bắc Trà My và Nam Trà My còn chung một huyện và tôi xung phong đến cùng cao hẻo lánh này. Lúc mới lên, tôi cũng nghĩ thôi thì làm vài năm rồi xin về xuôi, ở thị trấn cho gần nhà. Nhưng huyện cho đi học thêm, khi trở về tôi lại tiếp tục xin vào đây”. Cơ duyên! Ở Tà Lèng, anh gặp bà xã là cô giáo cũng dưới xuôi lên công tác, rồi cưới nhau lập nghiệp tới giờ. “Dường như cái duyên của mình sinh ra để kết chặt với rừng núi”, anh kể với nụ cười tươi.
Chị Trần Thị Lung là trường hợp đầu tiên khiến anh có can đảm “xé rào” hủ tục. Lung bị băng huyết, đến lúc rất nguy kịch mới được người nhà đưa đến trạm xá. Đêm khuya, đường sá lầy lội không thể chuyển lên huyện được, mà có chuyển đi thì mất thời gian, máu ra nhiều cũng khó qua nổi. Anh quyết định bằng mọi giá phải cứu người tại trạm xá chứ chuyển lên huyện sẽ không kịp.
Hôm sau Lung tỉnh lại. Câu đầu tiên chị nói là: “Bác Hải hãy cứu con tôi!”. Hỏi ra mới biết Lung sinh đôi, một trai, một gái và người chồng quyết định bỏ đứa gái. Nghe xong, anh Hải tức tốc tới nhà gặp người nhà đang làm lễ cúng bỏ bé gái. Anh ra sức phân tích rồi năn nỉ và cuối cùng kiên quyết bồng bé gái về trạm y tế để chăm sóc. Nửa tháng sau mẹ con khỏe lại và trở về nhà. Lung địu con về thì bị dân làng xa lánh, cả người trong nhà cũng hắt hủi. Rồi Lung địu luôn 2 đứa con chạy ra “bắt đền” anh. Chẳng biết làm sao, anh Hải phải mua sắm quần áo, gạo cho ba mẹ con ăn ở qua ngày.
Bắt đầu từ đây, hễ trong làng có chuyện chẳng lành thì người dân lại đến bắt anh đền gà cúng ma rừng. Trong nhà có người ốm, ngoài nhiệm vụ chữa lành, anh cũng phải cho thêm gà để dân làng làm lễ tạ tội với thần linh. 15 năm nay, cuộc phạt vạ vẫn “lai nhai” chưa chấm dứt.
“Ăn cắp” “con của ma rừng”
14 năm, quãng thời gian gắn bó với núi rừng, anh không nhớ nổi mình đã cứu bao nhiêu người thoát khỏi bệnh tật, bao nhiêu người mẹ vượt qua ca sinh khó để cứu đứa con. Nói đến đây, sắc mặt anh Hải bỗng chùng xuống, giọng anh chua xót: “Đã có nhiều đứa trẻ chết oan mà mình không biết để cứu”. Tôi an ủi: “Tập tục của họ mà, dễ chi lay chuyển được. Sức anh có hạn, thôi đừng tự trách nữa”. Rồi anh tâm tình: “Thực ra, câu chuyện cuộc đời tôi, buồn cũng nhiều mà vui cũng nhiều. Ví như đứa con Nguyễn Trần Thị Giang (hiện đang học tại Trường Tiểu học ở Thị trấn Trà My) vừa ngoan hiền, học giỏi, nó là động lực để tôi có thêm “dũng khí” chiến đấu với tập tục”.
Chuyện cũng xảy ra ngay tại nóc Ông Méo vào một buổi sáng năm 2002, lúc ấy sương núi vẫn còn bao phủ dày đặc khắp các bản, không gian còn tĩnh mịch. Cậu thanh niên trẻ chưa lập gia đình vẫn đang chìm vào giấc ngủ, bỗng đâu đó quyện trong màn sương là bóng người và tiếng chân thậm thịch, tiếng gọi nhau í ới thất thanh. Hỏi ra mới biết chị Trần Thị Hồng, người dân tộc Mơ Nông, đã mang thai đến ngày sinh nở, chuyển dạ kéo dài, đẻ khó và bị băng huyết sau sinh.
Anh Hải khi đó là y sĩ mới về tăng cường được mời đến. Vừa đến nơi, trước mắt anh là một sản phụ đang nằm trên vũng máu, bên cạnh là một đứa trẻ sơ sinh mới chào đời, hơi thở của người mẹ thoi thóp. Đường xá quá xa xôi, đi lại khó khăn, tình trạng bệnh lại nặng và mất máu cấp nên nên bà mẹ không qua khỏi. Theo phong tục địa phương: “cháu bé phải đi theo mẹ” và đang chờ đến giờ chết. Trước cảnh quá thương tâm, y sĩ Hải đã xin được đem cháu bé về Trạm y tế xã để nuôi dưỡng, nhưng không được gia đình, dân làng chấp nhận , họ sợ “con của ma rừng” sống sẽ không may cho buôn, làng.
Chưa một lần bồng con, ẵm cháu, anh buộc phải suy nghĩ, đắn đo và tình thương bao la đối với đứa trẻ đã xúi anh lén dân làng ẵm trộm cháu bé về Trạm Y tế xã giấu. Biết không thể giấu lâu, anh bồng cháu bé băng rừng, lội bộ về huyện Bắc Trà My. Suốt trong 10 ngày vật vã vì không thuê được xe thồ, không ai đến giúp đỡ vì sợ “con của ma”, chỉ với lon sữa, một cái ly con và một bình thủy tinh mượn được ở quán nước gần trạm thay cho bầu sữa mẹ, anh đã giúp đứa trẻ thơ ngây sống sót.
Khi mang cháu về chưa có tã lót, anh phải xé mùng, mền, quần áo của mình để thay thế, tự tay may chiếc áo, hay đúng hơn là cái để mặc cho bé được ấm, gượng gập khi vệ sinh cho cháu hằng ngày, ẵm và ru cháu ngủ giữa rừng thẳm. Trời cũng thương, anh Hải cũng đến được nhà mình ở thị trấn Trà My an toàn. Tại đây, sau khi nghe câu chuyện bất hạnh của cháu bé, mẹ anh Hải đã khuyến khích, động viên con nuôi nấng cháu bé ngày một khôn lớn. Lý giải về cái tên Nguyễn Trần Thị Giang, anh Hải cho biết: “Nguyễn là họ của tôi, Trần là họ của mẹ cháu”. Thời gian trôi qua, cháu Giang nay đã là cô con gái ngoan hiền, học giỏi và còn biết giúp đỡ vợ chồng anh trông coi em.
Chuyện trò với chúng tôi, người cán bộ y tế dũng cảm này lật cuốn sổ nhật ký ghi chép rất rõ ràng địa chỉ, tên, tuổi, giới tính từng đứa trẻ song sinh, hay chết mẹ được anh cứu sống. 15 năm nay bị dân làng phạt vạ, anh vẫn cười tươi chấp nhận nuôi gà nhưng không để ăn mà chỉ để… trả cho người làng mỗi khi bị đòi. Đúng là chuyện oái oăm, đã phải chữa bệnh mà còn mất thêm của. Lời của anh cán bộ y tế bao dung: “Lương tâm không cho phép mình lặng yên. Không ai dám ngăn cản thì mình phải ngăn cản. Chỉ mong sao người ta sẽ dần hiểu mà bỏ qua hủ tục khắc nghiệt này”.
Nguồn CAND Online