(NTO) Còn nhớ tại thời điểm công bố dịch, toàn tỉnh đã ghi nhận có trên 700 ca mắc bệnh TCM, trong đó có 4 ca tử vong, với 56/65 xã, phường có người mắc bệnh, trọng điểm là 16 xã, phường có dịch bùng phát mạnh. Vào cao điểm, trung bình mỗi ngày có trên 10 bệnh nhân mắc bệnh TCM phải nhập viện, trong đó nhiều ca biến chứng nặng. Đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế phải làm việc cật lực.
Điều trị bệnh tay-chân-miệng cho trẻ tại Bệnh viện tỉnh.
Ngay sau khi công bố dịch, tỉnh ta đã tăng cường thực hiện các biện pháp khẩn cấp chống dịch TCM, như: Tăng cường công tác chỉ đạo, tăng cường truyền thông, cấp kinh phí và các trang thiết bị, thuốc men, hóa chất phục vụ công tác phòng dịch và điều trị bệnh; tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát tích cực tại các địa phương… Đặc biệt, cùng với việc tổ chức thực hiện chiến dịch “Rửa tay với xà phòng, phòng chống bệnh TCM”, tỉnh đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch. Nhờ đó, dịch bệnh từng bước được khống chế và đẩy lùi.
Tại Bệnh viện tỉnh, trong những tuần vừa qua, số lượng bệnh nhân TCM đến điều trị đã có xu hướng giảm đều. Số lượng bệnh nhân điều trị nội trú cũng giảm, không còn xảy ra tình trạng quá tải như trước. Theo lãnh đạo bệnh viện, từ khi công bố dịch đến nay, nhờ công tác tuyên truyền của các phương tiện truyền thông, sự chung tay góp sức của cộng đồng; ngành Y tế kịp thời trang bị một số phương tiện, thuốc men, máy móc, như máy thở, một số máy theo dõi bệnh.... Qua đó, đã có nhiều ca bệnh nặng được điều trị kịp thời, hiệu quả, không để xảy ra trường hợp nào bị tử vong.
Theo đồng chí Phan Thị Lai, Phó Giám đốc Sở Y tế, từ chỗ toàn tỉnh có 56 xã, phường phát hiện có bệnh nhân TCM, đến nay chỉ còn 9 xã, phường còn xuất hiện ca bệnh mới; đồng thời, trong số 16 xã, phường công bố dịch, hiện nay duy nhất còn xã An Hải có ca bệnh mới chưa qua 10 ngày. So với trước đây mỗi tuần toàn tỉnh ghi nhận từ 50 đến 60 ca thì vào cuối tháng 11, lượng bệnh nhân giảm dần còn 20 đến 30 ca/tuần. Đặc biệt là thời gian gần đây, mỗi ngày chỉ còn khoảng 1-2 trường hợp nhập viện. Đây là dấu hiệu đáng mừng trong việc chung tay phòng, chống dịch TCM.
Mặc dù dịch bệnh TCM cơ bản đã được khống chế, tuy nhiên theo ghi nhận của ngành Y tế và đánh giá của các bác sĩ chuyên khoa, số ca bệnh tuy đã giảm nhiều, nhưng số ca bệnh nặng vẫn còn, do đó người dân không nên lơ là, chủ quan với bệnh TCM. Cũng theo khuyến cáo của ngành Y tế, khả năng trong mùa lạnh và trong những tháng đầu xuân năm 2012, dịch bệnh có khả năng phát triển trở lại. Do đó các địa phương cần tăng cường chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể cần tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm nhanh, ngăn chặn triệt để dịch TCM. Một trong những biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất để dịch không bùng phát trở lại đó là mọi người, mọi nhà hãy chú trọng giữ vệ sinh môi trường, vệ sinh thân thể và vệ sinh ăn uống một cách thường xuyên. Đối với người bệnh và người nhà có con, em bị bệnh TCM nên an tâm, tin tưởng thầy thuốc bởi hiện nay phương tiện, thuốc men, nhân lực tại tỉnh ta đủ khả năng để khống chế và điều trị hiệu quả bệnh TCM.
Với sự nỗ lực của ngành Y tế và sự tiếp tục chung tay góp sức của cộng đồng, tin tưởng rằng dịch TCM trên địa bàn tỉnh ta sẽ sớm được “dập tắt”; đảm bảo sức khỏe, tính mạng của cộng đồng và người dân.
Ngũ Anh Tuấn