Khó huy động nguồn lực
Ðể thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng NTM, nhiều địa phương trong cả nước đã rà soát thực tế, lựa chọn các khâu "đột phá", tìm hướng đi phù hợp để vận dụng. Tại tỉnh Kiên Giang, thực hiện Chương trình xây dựng NTM, từ nay đến năm 2015, tỉnh chú trọng đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 4,5% theo chuẩn mới. Theo đó, bình quân mỗi năm, Kiên Giang phấn đấu giải quyết việc làm từ 32 nghìn đến 35 nghìn lao động và đến năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo chung đạt hơn 52%, trong đó đào tạo nghề đạt 43%. Tỉnh Quảng Ngãi đặt mục tiêu đến năm 2015 có 33/164 xã đạt tiêu chí NTM. Ðể làm được điều này, nhu cầu kinh phí đầu tư cho 33 xã trong giai đoạn 2011-2015 gần 5.300 tỷ đồng (160 tỷ đồng/xã). Hiện nay, 6/13 huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình NTM giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020. Tuy nhiên, phần lớn kế hoạch của các địa phương chưa thật sự trọng tâm và cụ thể, đặc biệt việc xác định nguồn vốn và nhu cầu đầu tư quá cao, chưa phù hợp thực tế, tiến độ thực hiện ở hầu hết các địa phương đều chậm so yêu cầu. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ðào Minh Hường, trong số 164 xã của 13 huyện thực hiện chương trình xây dựng NTM, đến thời điểm này có 128 xã hoàn thành việc khảo sát, đánh giá thực trạng nông thôn theo 19 tiêu chí; 28 xã lập xong nhiệm vụ quy hoạch chung và mới chỉ có hai xã Ðức Tân (huyện Mộ Ðức) và Bình Dương (huyện Bình Sơn) phê duyệt đề án xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015. Ðối với công tác khảo sát, đánh giá thực trạng nông thôn theo 19 tiêu chí NTM đòi hỏi chi tiết, chính xác nhưng năng lực tiếp thu và tổ chức thực hiện của cán bộ cơ sở còn nhiều hạn chế nên gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các xã miền núi. Ðây là nguyên nhân chính dẫn đến việc lập quy hoạch chung và đề án xây dựng NTM chậm so yêu cầu đề ra. Qua thời gian triển khai thực hiện chương trình cho thấy, hầu hết các địa phương đều nhầm lẫn giữa quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết xây dựng NTM cấp xã, vì vậy dẫn đến sai sót trong việc lập nhiệm vụ quy hoạch xây dựng NTM.
Trang trại hoa của nông dân Lâm Ðồng.
Tại Long An, theo tính toán, để xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015, tỉnh phấn đấu huy động 15.731 tỷ đồng, tập trung xây dựng hạ tầng phát triển NTM. Chỉ tiêu đặt ra đến năm 2012 hoàn thành quy hoạch NTM cho 100% số xã (166 xã), đến năm 2015 có 36 xã đạt xã NTM; 60% số xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 3%; 52% số xã (86 xã) đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở; 50% số xã (83 xã) đạt chuẩn về cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân; 80% số xã (133 xã) có hơn 70% số ấp đạt tiêu chuẩn ấp văn hóa; 95% số hộ dân khu vực nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng gấp hai lần so năm 2010. Ðể hoàn thành mục tiêu, tỉnh chú trọng huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho xây dựng NTM, trong đó "huy động nội lực là chính". Tuy nhiên, do cả lý do khách quan và chủ quan, nên đến nay chưa có huyện, xã nào hoàn chỉnh việc quy hoạch, thiết kế xây dựng đường giao thông nông thôn, kể cả biện pháp huy động vốn trong dân.
Ðến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam chưa có chợ nào đạt được yêu cầu trong Bộ tiêu chí quốc gia về NTM. Ðặc biệt, trong tổng số 28 xã thuộc sáu huyện, thành phố xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015 vẫn còn bảy xã chưa có chợ. Những xã đã có chợ thì phần lớn là chợ bán kiên cố, quy mô nhỏ, lều quán tạm bợ; việc họp chợ diễn ra chủ yếu ở sân, bãi ngoài trời. Chỉ xét riêng về diện tích hay kết cấu hạ tầng, hiện vẫn còn nhiều chợ chưa đáp ứng được yêu cầu, quy mô của một chợ đơn thuần và càng khó để trở thành chợ NTM. Hiện trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 98 chợ, trong đó, có tám chợ thành thị và 90 chợ nông thôn. Phần lớn các chợ nông thôn đều xây dựng trước năm 1997 nên chủ yếu là bán kiên cố, số còn lại cũng chỉ được xây dựng tạm bợ, nên việc mua bán, trao đổi hàng hóa nhiều hạn chế. Thậm chí, có địa phương đến nay vẫn chưa bố trí được quỹ đất để xây dựng chợ.
Ðề cập những hạn chế cũng như khó khăn của các địa phương trong xây dựng NTM, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Ðức Phát cho rằng, Bộ tiêu chí xây dựng NTM được xây dựng trên tinh thần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nhận thấy nhiều tiêu chí không phù hợp. Chẳng hạn như ở đồng bằng sông Cửu Long nếu bắt buộc tiêu chí kiên cố hóa kênh mương, hay mỗi xã phải xây một chợ... là khó làm được. Tiêu chí nào không phù hợp, các tỉnh nên chủ động đề xuất để điều chỉnh. Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cần tổng kết chương trình xây dựng NTM ở 11 tỉnh, tổng hợp kiến nghị để đưa ra những điều chỉnh phù hợp.
Nhân dân xã Ea Rvê, huyện Ea Súp, tỉnh Ðác Lắc, làm đường giao thông nông thôn.
Giải pháp đồng bộ
Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 là chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng lần đầu được thực hiện trên địa bàn nông thôn cả nước. Chương trình nhằm xây dựng NTM với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh - trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao... Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguồn lực bố trí cho Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cả giai đoạn 2011 - 2015 hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 11% nhu cầu với mức vốn dự kiến bố trí khoảng 12 nghìn tỷ đồng. Ðể thực hiện hiệu quả chương trình và thu hút nguồn lực đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng cần đề ra nguyên tắc phân bổ ngân sách hỗ trợ theo hướng: Ngân sách T.Ư hỗ trợ bình quân chung cho các xã thực hiện công tác đánh giá thực trạng, quy hoạch, xây dựng đề án, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu và phát triển sản xuất. Năm 2011, Chính phủ đã dành 1.600 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương tập trung vào năm nội dung: quy hoạch; tuyên truyền; đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM các cấp; phát triển sản xuất để tăng thu nhập cho người dân và xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã. Ðến nay đã có 63 tỉnh, thành phố đánh giá xong thực trạng nông thôn theo 19 tiêu chí; đã có 50% số xã triển khai công tác quy hoạch; 45/63 tỉnh, thành phố tổ chức tập huấn cho cán bộ triển khai chương trình. Theo đánh giá chung, các địa phương đã bước đầu chủ động sử dụng các nguồn lực để hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như trường học, kiên cố hóa đường giao thông, hệ thống kênh mương; xây dựng các mô hình phát triển sản xuất hàng hóa nhằm tăng thu nhập cho người dân.
Ðưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp ở Tây Nguyên.
Việt Nam hiện có hơn 70% dân số ở khu vực nông thôn, số lao động trong nông nghiệp chiếm hơn 50%, nên việc xây dựng NTM có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp CNH, HÐH đất nước. Ðể thực hiện hiệu quả cần triển khai công tác quy hoạch, lập đề án xây dựng NTM, xây dựng cơ sở hạ tầng có sự tham gia của người dân, nâng cao nhận thức, công tác đào tạo, tập huấn và tuyên truyền; phát triển nông nghiệp hàng hóa theo cơ chế thị trường. Về nguồn lực tài chính, bên cạnh nguồn vốn trong nước, cần tranh thủ vốn nước ngoài. Cũng cần lưu ý là mức phát triển kinh tế giữa các vùng, miền không đồng đều, một số vùng, nhất là miền núi, có thu nhập thấp rất cần sự giúp đỡ cả về vật chất, vốn cũng như chính sách để xây dựng mô hình NTM phù hợp thực tiễn địa phương.
Theo Tiến sĩ Ðặng Kim Sơn, Viện trưởng Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, xây dựng NTM phải lấy nông dân là động lực chính, sự hỗ trợ từ bên ngoài có vai trò tạo đà để người dân phát huy nội lực, bứt lên. Chúng ta chỉ thay đổi về hạ tầng như đường sá, trụ sở, trường học... thì đó cũng là một bước tiến, nhưng không phải là cái căn bản của việc xây dựng NTM. Ðiều quan trọng là thay đổi cách nghĩ, cách làm, hành động. Bởi vậy, cách thức thực hiện xây dựng NTM cần phải xem lại, có sự điều chỉnh kịp thời, 19 tiêu chí xây dựng NTM bộ khung, nhưng việc áp dụng ở các xã phải linh hoạt, phù hợp điều kiện cụ thể từng nơi, không rập khuôn máy móc. Việc áp dụng đồng bộ, phát huy tốt vai trò của người dân, giúp họ hiểu quyền lợi và trách nhiệm của mình trong xây dựng NTM, đồng thời biết tranh thủ sự hỗ trợ của toàn xã hội sẽ giúp cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đạt được kết quả bền vững.
Nguồn Báo Nhân Dân