(NTO) Theo đánh giá của ngành chức năng hoạt động buôn lậu, hàng giả cũng có “muôn hình vạn trạng” và ngày càng tinh vi. Ngay cả một số cơ sở, hộ kinh doanh cũng vì hám lợi đã tiếp tay các đối tượng này để tàng trữ, buôn bán và cuối cùng là chỉ có người tiêu dùng là bị thiệt đôi đường. Mất tiền mua nhưng hàng hóa không sử dụng được và nếu như là hàng thực phẩm thì hiểm họa không lường hết được.
Chống buôn lậu, chống sự trà trộn của hàng giả, hàng nhái để đánh lừa người tiêu dùng không chỉ có cơ quan chức năng mà yêu cầu là cần có sự tham gia của mọi người dân và toàn xã hội. Cần dựa vào “tai mắt nhân dân” để kịp thời phát hiện, xử lý theo pháp luật đối với đối tượng vi phạm, đồng thời biểu dương, khen thưởng những người đã “mạnh dạn” chỉ ra những hành vi làm ăn gian dối của những người vì lợi nhuận đơn thuần mà cố tình vi phạm pháp luật. Vấn đề cũng cần đặt ra, đó là cần “đạo đức” của người kinh doanh và trách nhiệm trước người tiêu dùng. Đây không phải là vấn đề mới nhưng luôn có tính thời sự. Bởi lẽ trên thực tế trong làm ăn đã “buộc” một số cơ sở, hộ kinh doanh phải cạnh tranh quyết liệt về giá sản phẩm, hàng hóa và ngay cả người tiêu dùng cũng luôn “mong muốn” được mua sản phẩm giá rẻ. Chính vì điều này, đã có “cung” ắt có “cầu” nên hàng giả có “đất sống” là vậy. Cho nên, việc “hâm nóng” đạo đức kinh doanh luôn cần thiết. Vấn đề cũng cần quan tâm là cơ quan chức năng cần có chính sách bảo vệ người tiêu dùng; thông tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những đối tượng kinh doanh gian dối để người tiêu dùng cảnh giác…
Thiết nghĩ, quyết liệt trong đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém phẩm chất cần làm ngay từ bây giờ để giúp người tiêu dùng yên tâm chọn đúng sản phẩm có chất lượng khi mua mà không rơi vào tình cảnh "tiền mất tật mang".
Tuấn Dũng