Chính quyền sẽ không nhượng bộ và sẽ không thực hiện các yêu sách do những người tham gia biểu tình phản đối kết quả cuộc bầu cử Duma Quốc gia ở quảng trường Bolotnaya, Moscow hôm 10-12 đưa ra. Đó là câu trả lời cho hàng chục ngàn công dân của Tổng thống (TT) Nga Dmitry Medvedev trên mạng xã hội Facebook. Trên trang của mình, TT Medvedev tuyên bố ông không bằng lòng với khẩu hiệu “Vì cuộc bầu cử trung thực” cũng như các tuyên bố tại cuộc biểu tình.
Ngoài ra, TT Nga cho biết ông đã ra lệnh điều tra các yếu tố vi phạm trong cuộc bầu cử vừa qua. Ông khẳng định: “Tôi đã ra lệnh kiểm tra mọi thông báo từ các điểm bầu cử liên quan đến việc tuân thủ pháp luật về bầu cử. Theo hiến pháp, công dân Nga có quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp. Mọi người có quyền bày tỏ quan điểm của mình như họ đã làm. Thật tốt đẹp vì tất cả đều diễn ra trong khuôn khổ luật pháp”.
Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và những người ủng hộ. Ảnh: GAZETA
Tuy nhiên, hầu hết những người Nga đưa ra bình luận trên Facebook đều tỏ ra nghi ngại: Vì sao TT Medvedev không hài lòng với khẩu hiệu “Vì cuộc bầu cử trung thực”? Vì sao ông không nêu đích danh nhân vật nào đã được ông giao nhiệm vụ kiểm tra các thông báo về các vi phạm bầu cử? Và họ chờ đợi câu trả lời của ông.
Trước đó, theo báo Gazeta, một nguồn tin ở Điện Kremlin cho biết quan điểm của TT Medvedev sẽ vẫn giống như tuyên bố của ông khi đến thăm Prague, Cộng hòa Czech, hôm 8-12. Đó là công dân có quyền tổ chức biểu tình hợp pháp và cần phải điều tra các vi phạm trong cuộc bầu cử. Khi đó, cũng nguồn tin trên lưu ý rằng theo chỉ thị của TT Medvedev, đài truyền hình không được bỏ qua các cuộc biểu tình, còn cảnh sát phải cực kỳ kiềm chế trong thời gian diễn ra biểu tình.
Giống như TT Nga, những người biểu tình ở Moscow cũng đã đòi hỏi Ủy ban Bầu cử Trung ương (CEC) điều tra các vi phạm trong cuộc bầu cử. Thêm vào đó, họ còn yêu cầu Chủ tịch CEC Vladimir Churov từ chức. Thế nhưng, rõ ràng, quan điểm của TT Medvedev có điểm khác biệt với một số giới chức Nga. Như Phó Chủ tịch CEC Stanislav Vavilov đã tuyên bố: “Cuộc bầu cử đã được công nhận là đúng đắn và không có cơ sở nào để đưa ra đánh giá khác. Cũng không có cơ sở để xem xét lại kết quả bầu cử”.
Bên cạnh đó, nhân vật đứng đầu Tòa án Hiến pháp Nga, ông Valery Zorkin, có thái độ gay gắt nhất đối với những người biểu tình. Ông nhấn mạnh: “Người ta muốn biểu tình không phải để kêu gọi luật pháp can thiệp mà là vì một điều gì đó khác”. Ông Zorkin cho rằng các cuộc biểu tình sẽ dẫn đến đổ máu và lúc này cần phải có một lực lượng ngăn chặn biểu tình vốn có thể đe dọa đến sự tồn tại của nhà nước.
Trong khi đó, Đảng Nước Nga Thống nhất hiện vẫn không có ý định thay đổi đường lối của mình. Ngày 12-12, các thành viên đảng này tổ chức cuộc biểu tình tại quảng trường Manezhnaya ở Moscow, được xem như lời đáp trả cuộc biểu tình ở quảng trường Bolotnaya của phe đối lập hôm 10-12. Cuộc biểu tình này được gọi tên là “Vinh quang nước Nga”.
Nguồn www.nld.com.vn