Theo báo cáo trên, trong hơn 30 năm qua, khoảng cách thu nhập giữa cư dân thành thị và cư dân nông thôn đã từng bước được thu hẹp, từ mức chênh lệch dao động trong khoảng 2,5 đến 2,6 lần vào thời kỳ 1978-1980 giảm xuống mức chênh lệch dao động từ 1,8 đến 2,3 lần. Nhưng từ sau năm 2000, khoảng cách này không ngừng gia tăng, đến năm 2009 đạt mức 3,3 lần. Với mức này, Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia có mức chênh lệch thu nhập giữa thành thị và nông thôn cao nhất trên thế giới.
Ngoài ra, báo cáo cũng cho biết, hệ số Gini (biểu thị độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập) của Trung Quốc năm 2010 là 0,48 trong khi giới hạn được quốc tế chấp nhận là 0,4. Trước đó, Viện nghiên cứu Lao động Tiền lương của Bộ Tài nguyên nhân lực và Bảo đảm xã hội Trung Quốc ngày 1/12 cũng công bố một bản báo cáo cho biết, chênh lệch tiền lương tại Trung Quốc những năm gần đây có xu hướng tăng lên, chủ yếu do chênh lệch giữa các doanh nghiệp, giữa thành thị và nông thôn, giữa các khu vực, cũng như chênh lệch giữa công chức cao cấp và công chức phổ thông không ngừng gia tăng.
(Theo TTXVN)