Kết thúc Hội nghị COP 17: Thắp lên hy vọng

Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 17 (COP 17) diễn ra tại thành phố Durban (Nam Phi) đã “cháy chương trình”, giữ kỷ lục là hội nghị tốn thời gian nhất từ trước đến nay, kết thúc vào ngày 11-12 thay vì ngày 9-12 như dự kiến. Những đề xuất và cam kết đưa ra trong ngày họp cuối cho thấy các quốc gia đã phần nào tìm được tiếng nói chung.

Hy vọng từ chặng nước rút

12 ngày hội nghị với những ý kiến thảo luận căng thẳng, phần lớn là bất đồng và bế tắc về lượng khí thải mà các quốc gia cam kết cắt giảm cùng với tương lai của Nghị định thư Kyoto giai đoạn 2 (giai đoạn 1 sẽ hết hạn cuối năm 2012). Kết quả, gần 200 đại biểu tham gia COP 17 đã nhất trí gia hạn nghị định thư thêm 5 năm.

Theo AFP, trong phiên họp ngày 10-12, COP 17 đã có những động thái được cho là tháo nút bế tắc sau 12 ngày thảo luận trước đó: thông qua lộ trình cho một hiệp ước dự kiến được thông qua vào năm 2015, đưa vào áp dụng năm 2020. Theo đó, lần đầu tiên, tất cả các nước thực hiện cam kết kiểm soát khí thải theo cùng một khuôn khổ pháp lý. Phương án này được hơn 80 quốc gia, vùng lãnh thổ ủng hộ, trong đó có những quốc gia nghèo nhất và những đảo nhỏ, nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất do mực nước biển dâng cao, hạn hán…

 

Biểu tình kêu gọi các nước nhanh chóng đưa ra những cam kết chống biến đổi khí hậu.

Đây được kỳ vọng là “vũ khí cơ bản” nhất cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Trưởng đoàn đàm phán của Mỹ về biến đổi khí hậu, ông Todd Stern, nói rằng: “Lần đầu tiên những quốc gia đang phát triển cũng bị giới hạn và ràng buộc pháp lý trong một thỏa thuận chung”. Hiện tại, theo Nghị định thư Kyoto, chỉ có 37 nước công nghiệp phát triển (trừ Mỹ) phải thực hiện các chỉ tiêu mang tính ràng buộc pháp lý về cắt giảm khí thải.

Christiana Figueres, Thư ký điều hành Công ước khung LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC) dẫn lời cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela: “Tất cả là không thể cho đến khi thực sự đạt được điều ấy. Cuối cùng, chúng ta đã đạt được điều ấy!”.

Còn nhiều bất đồng

Gia hạn thêm 5 năm cho Nghị định thư Kyoto là phương án bị động. Nguyên nhân đến từ nhiều nước như Canada, Nhật Bản và Nga khẳng định sẽ không tiếp tục ủng hộ giai đoạn 2 của Nghị định thư Kyoto vì cho rằng, những cam kết mới là vô nghĩa trong khi các quốc gia thải ra lượng khí CO2 khổng lồ không chịu một ràng buộc pháp lý nào. Còn hai quốc gia đang phát triển Trung Quốc và Ấn Độ cho rằng không công bằng nếu những nước đang phát triển cũng phải cắt giảm bằng với mức của Mỹ và phương Tây (những nước có lượng khí thải nhiều nhất hiện nay). Nhìn lại, trong khoảng 5 năm trở lại, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ, giữ vị trí đầu bảng và Ấn Độ xếp thứ ba. New Zealand, Na Uy, Thụy Điển thì cho biết sẵn sàng tham gia giai đoạn 2 của Nghị định thư Kyoto.

Ở hội nghị lần này, Ấn Độ tỏ ra là nước “mạnh miệng” nhất từ phía những quốc gia đang phát triển phản đối một khung pháp lý chung cho tất cả quốc gia. Ấn Độ cho rằng nước này sẽ có những hành động thiết thực sau năm 2020, khi hiệp ước cụ thể được áp dụng nhưng nhấn mạnh thêm rằng tính khả thi của hiệp ước không cao, vì tùy thuộc mức độ ràng buộc trong khi có những nhóm lợi ích khác nhau trong chính các quốc gia thảo luận hiệp ước. Mặt khác, nếu hiệp ước nói trên đến năm 2020 mới được áp dụng, theo các nhà khoa học, là quá nguy hiểm vì ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến đời sống con người càng nghiêm trọng.

Trong khi hội nghị diễn ra, hàng ngàn người Nam Phi đã xuống đường giương cao khẩu hiệu “Hãy lắng nghe người dân, đừng nghe những kẻ gây ô nhiễm” hay “Đừng giết chết Nam Phi” để kêu gọi các nhà lãnh đạo nhanh chóng đạt được thỏa thuận vì lợi ích chung của toàn cầu và tương lai. Ngoài ra, trong hai ngày cuối của hội nghị, 700.000 người Nam Phi đã cùng ký tên để kêu gọi các nước có lượng khí thải cao nhất hiện nay hãy đứng về phía các quốc gia đói nghèo như các nước châu Phi đang gồng mình đối mặt với khủng hoảng lương thực do biến đổi khí hậu gây nên.

Nguồn Báo SGGP Online