Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: Tổng kết và duy trì tính bền vững kết quả dự án CSSKSS

Ngày 9-12, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết và duy trì tính bền vững của kết quả chương trình Quốc gia 7- hợp tác giữa tỉnh Ninh Thuận và Quỹ Dân số Liên hợp quốc giai đoạn 2006 – 2011, Dự án “ Nâng cao chất lượng và sử dụng dịch vụ sức khỏe sinh sản tỉnh Ninh Thuận “ do UNFPA tài trợ.

(NTO) Dự án được thực hiện trên địa bàn 16 xã thuộc 4 huyện: Bác Ái, Thuận Bắc, Thuận Nam và Ninh Phước. Dự án triển khai thực hiện nhiều hoạt động như: Tập huấn, truyền thông tại cộng đồng, giao lưu học tập giữa các xã, thành lập các mô hình: Tín dụng tiết kiệm (TDTK) lồng ghép truyền thông dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới (DS/SKSS/BĐG); mô hình chuyển tuyến dựa vào cộng đồng…

Hội nghị tổng kết và duy trì tính bền vững của kết quả chương trình Quốc gia 7 hợp tác
giữa tỉnh Ninh Thuận và Quỹ Dân số Liên hợp quốc giai đoạn 2006 – 2011.

Sau 6 năm thực hiện, dự án đã tổ chức được 36 lớp tập huấn, hơn 3.000 buổi truyền thông tại cộng đồng qua đó góp phần nâng cao nhận thức của phụ nữ nói riêng, cộng đồng nói chung về vấn đề CSSKSS, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3. Mô hình nhóm TDTK lồng ghép truyền thông DS/SKSS/BĐG và mô hình nhóm chuyển tuyến dựa vào cộng đồng về làm mẹ an toàn đã góp phần quan trọng vào việc thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi về DS/SKSS tăng cường khả năng làm mẹ an toàn đồng thời hỗ trợ phụ nữ được vay vốn làm ăn, được trao đổi kinh nghiệm, tiếp thu những kiến thức khoa học kỹ thuật trong sản xuất… Qua đó, tỷ lệ phụ nữ đã khám thai 3 lần trở lên tăng từ 78,6% lên 90,5%; tỷ lệ phụ nữ không nhận biết dấu hiệu nguy hiểm nào trong thời gian mang thai giảm xuống còn 29,5%. Những thay đổi tích cực về nhận thức vấn đề CSSKSS mà dự án đem lại đã góp phần quan trọng đối với việc phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương: Xóa đói, giảm nghèo, giảm tệ nạn xã hội, thay đổi tập quán lạc hậu…

Trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tiếp tục chỉ đạo cấp hội cơ sở  tranh thủ sự ủng hộ và cam kết của cấp ủy, chính quyền các cấp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của mô hình SKSS. Chỉ đạo mô hình nhóm phụ nữ lồng ghép thành nhiệm vụ thường xuyên và đưa vào kế hoạch hoạt động năm của từng cấp hội; Tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ tập huấn cán bộ, tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ truyền thông SKSS. Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức theo hướng đa dạng hóa phương thức hoạt động nhóm. Lựa chọn địa bàn thí điểm nhân rộng mô hình nhóm phụ nữ lồng ghép vào các nhóm tín dụng tiết kiệm trên địa bàn các huyện thuộc vùng dự án nâng cao chất lượng và sử dụng dịch vụ sức khỏe sinh sản do UNFPA tài trợ.