(NTO) Vì thế, công tác vận động thực hiện KHHGĐ trong đồng bào Chăm luôn được địa phương quan tâm. Ban Dân số- KHHGĐ xã thường xuyên phối hợp với các đoàn thể, trạm y tế tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, vận động các chị em thực hiện chăm sóc SKSS/KHHGĐ bằng nhiều hình thức: phát tờ bướm, tờ rơi, tổ chức nói chuyện chuyên đề, phát thanh trên loa đài về các nội dung làm mẹ an toàn, bình đẳng giới, hạn chế sinh nhiều con…Thông qua đó góp phần nâng cao nhận thức của phụ nữ, nhất là chị em là đồng bào Chăm về chăm sóc SKSS, đi khám thai định kỳ tại trạm y tế, thực hiện kế hoạch trong sinh con. Trong số 26 cộng tác viên dân số của xã có 16 người là đồng bào Chăm, vì vậy họ hiểu rõ phong tục, tập tính của đồng bào mình, từ đó dễ dàng giải thích và bà con tiếp thu nhanh hơn.
Ban Dân số-KHHGĐ xã đã thành lập được 2 Câu lạc bộ “không sinh con thứ ba” tại 2 thôn Hữu Đức và Hậu Sanh. Chị Đàng Thị Nở, thôn Hậu Sanh chia sẻ: “ Tôi có 3 đứa con trai, muốn sinh thêm con gái nhưng được các chị em trong Ban Dân số-KHHGĐ xã vận động nên không sinh nữa. Gia đình sống bằng nghề nông, cuộc sống cũng khó khăn, nếu sinh nhiều con thì vất vả hơn.”
Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nên nhận thức của đồng bào Chăm ở xã Phước Hữu về công tác Dân số-KHHGĐ được nâng lên rõ rệt. Các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ tự nguyện dùng các biện pháp tránh thai để hạn chế sinh nhiều con, xóa dần tư tưởng muốn sinh con gái, nạn tảo hôn trong cộng đồng cũng giảm đáng kể.
Minh Khai