Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh: Bạo lực gia đình là vi phạm quyền bình đẳng giữa nam và nữ, vi phạm Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) mà Việt Nam là một trong các quốc gia sớm phê chuẩn Công ước này. Ở Việt Nam, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình.
Các đại biểu cam kết hành động để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và
trẻ em gái ở Việt Nam (Ảnh: KT)
Theo ông Huỳnh Vĩnh Ái, trong thời gian tới, nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình tiếp tục được thực hiện trong tổng thể chính sách phát triển kinh tế, xã hội của Đảng và Nhà nước Việt Nam, đặc biệt trong Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và Chương hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình, với những mục tiêu và giải pháp cụ thể, trách nhiệm cụ thể đối với từng Bộ, ngành liên quan do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan đầu mối.
Bà Pratibha Mehta - Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc (LHQ) cho biết, trên toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương, phụ nữ và trẻ em gái đang tiếp tục là đối tượng của những hình thức bạo lực thể chất, tâm lý, tình dục và kinh tế. Tại Việt Nam, số liệu từ nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ được Tổng cục Thống kê và LHQ tại Việt Nam công bố năm 2010 cho thấy, cứ 3 phụ nữ đã từng kết hôn thì có một người (chiếm 32%) đã từng bị bạo lực về thể chất hoặc tình dục do người chồng gây ra.
Bà Pratibha Mehta nhấn mạnh: “Bây giờ chính là lúc cần hành động. Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ là việc làm trong tầm tay của chúng ta. Chúng ta cần hợp tác với nhau để chắc chắn rằng phụ nữ Việt Nam sẽ được trao quyền, để đứng dậy, để lên tiếng và nam giới Việt Nam cũng góp chung tiếng nói để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ một lần và mãi mãi”.
Theo bà, để giải quyết tình trạng bạo lực giới dưới mọi hình thức, điều cốt yếu là phải xây dựng cách tiếp cận toàn diện hơn, không chỉ tập trung vào vấn đề bạo lực gia đình mà mở rộng ra cả các vấn đề như xâm hại và bạo lực ngoài gia đình. Bên cạnh đó, cần quan tâm nhiều hơn đến việc thuyết phục nam giới và trẻ em trai nhận thức được vai trò của họ trong việc phòng ngừa bạo lực, bảo vệ và tôn trọng phụ nữ; tăng cường phối hợp giữa các bên liên quan trong công tác phòng ngừa và giải quyết bạo lực…
Tại cuộc Hội thảo, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tái khẳng định vai trò của mình với tư cách là tổ chức đại diện cho các quyền phụ nữ, đặc biệt là cho những phụ nữ bị bạo lực. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ở tất cả các cấp tiếp tục hỗ trợ các nạn nhân, đẩy mạnh các hoạt động nâng cao nhận thức ở cộng đồng, đặc biệt là nhận thức của nam giới trong việc phòng, chống bạo lực gia đình.
Các đại biểu tham gia Hội thảo đã được khuyến khích tham gia viết cam kết hành động để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam.
Theo Ban Tổ chức, Hội thảo đối thoại chính sách “Tăng cường các giải pháp cho vấn đề bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam” là một trong các sự kiện được tổ chức trong suốt tháng 11 như một hoạt động của chiến dịch toàn cầu với tên gọi “UNiTE” về chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ trong việc phòng, chống và xóa bỏ tất cả các hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở tất cả mọi nơi trên thế giới vào năm 2015. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào chiến dịch UNiTE do Tổng thư ký LHQ Ban Ki-Moon phát động vào năm 2008. Chiến dịch nhằm thúc đẩy tiến bộ thông qua việc huy động các chính phủ, tổ chức xã hội, thanh niên, khu vực tư nhân và các cơ quan LHQ cùng nhau hành động chấm dứt vấn nạn toàn cầu này.
Ngay sau sự kiện này, buổi lễ vẽ tranh "Chung tay chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam" sẽ được tổ chức 24/11/2011 tại Cung Văn hóa Thiếu nhi với sự tham gia của hơn 300 đại diện đến từ các tổ chức chính phủ, phi chính phủ, nghệ sỹ và thanh thiếu niên.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam