Thảo luận tại hội trường về dự án Bộ luật lao động (sửa đổi) ngày 22/11, đa số ĐB đề nghị nên tăng số ngày nghỉ Tết âm lịch lên 5 ngày.
ĐB Nguyễn Trung Thu (Long An) phân tích, như quy định hiện hành là nghỉ 4 ngày, 1 ngày cuối năm và 3 ngày đầu năm, như vậy thời gian nghỉ của người lao động sẽ bị ngắt quãng.
Theo ĐB Thu, đi làm việc 1 ngày trong tuần sau đó lại tiếp tục nghỉ ngày nghỉ hàng tuần, điều này dẫn tới năng suất lao động thấp của người lao động trong 1 ngày làm việc xen giữa các ngày nghỉ, chi phí kém hiệu quả của người sử dụng lao động khi bố trí làm việc trong 1 ngày làm việc xen giữa các ngày nghỉ hàng tuần đó, ảnh hưởng tới kế hoạch sử dụng ngày nghỉ tết của người lao động khi muốn nhân dịp tết cổ truyền đi thăm hỏi gia đình, bạn bè hoặc đi du lịch.
Nghỉ Tết âm lịch 5 ngày, người lao động có điều kiện đi thăm thân, du lịch và hưởng thụ những thành quả lao động của mình - Ảnh minh họa. Nguồn Internet.
Cũng theo ĐB Thu, tổng số ngày nghỉ lễ hàng năm ở nước ta 9 ngày là trung bình thấp khi so sánh với các quốc gia khác trên thế giới.
Cụ thể là số ngày nghỉ lễ hàng năm của Trung Quốc là 11 ngày, Indonexia là 13 ngày, Hàn Quốc là 17 ngày, Philippin là 12 ngày, singapo là 11 ngày, Thái Lan là 13 ngày, Malaixia là 10 ngày, Lào là 13 ngày, Campuchia là 25 ngày, Nga và Pháp là 11 ngày.
“Tôi đề nghị nên tăng số ngày nghỉ tết âm lịch là 5 ngày, giúp cho người lao động có nhiều thời gian bù đắp sức khỏe, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động thăm hỏi gia đình, góp phần thúc đẩy phát triển dịch vụ trong những ngày nghỉ tết, đồng thời tiết kiệm chi phí đi lại cho người lao động, chi phí của người sử dụng lao động khi tổ chức làm việc trong 1 ngày xen giữa các ngày nghỉ hiệu quả không cao” – ĐB Thu nói.
ĐB Thích Thanh Quyết (Lương Công Quyết - Quảng Ninh) cũng nhất trí cao với phương án nâng thời gian nghỉ tết âm lịch của người lao động lên 5 ngày, kết hợp với hai ngày cuối tuần là 7 ngày sẽ tạo điều kiện cho người lao động đi thăm người thân, du lịch và hưởng thụ những thành quả lao động của mình, góp phần lưu thông tiền tệ, thúc đẩy kinh tế và văn hóa phát triển. Như vậy, tổng số ngày nghỉ 1 năm là 10 ngày.
Nên quy định người bố cũng được nghỉ… thai sản
ĐB Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh) cho rằng, phương án nghỉ thai sản 6 tháng rất phù hợp, nhất là đối với mục đích bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em, tuy nhiên thực tế cũng có những chị em vì nhiều lý do muốn đi làm sớm hơn nên theo ĐB Hòa thì Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề xuất quy định linh hoạt từ 4 đến 6 tháng có lẽ là phương án tối ưu hơn để cho chị em có lựa chọn cho phù hợp.
ĐB Nguyễn Thúy Hoàn (Thái Bình) cũng đồng tình, theo ĐB Hoàn, vấn đề nhà trẻ hiện nay đang rất bất cập, không có nhà trẻ hoặc có nhưng phần lớn các nhà trẻ không nhận trẻ dưới 6 tháng tuổi, hơn nữa, sức khỏe của lao động nữ vừa qua cơn vượt cạn rất yếu, nếu đi làm thì hiệu quả công việc sẽ không cao.
ĐB Hoàn cũng nhận định, trong thực tế có một số lao động bị mất việc làm sau khi sinh con, theo đó đề nghị với trách nhiệm của các địa phương, với cơ quan quản lý phải thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm quy định người sử dụng lao động.
ĐB Hoàn cũng đề nghị Chính phủ có thể điều chỉnh ngân sách của nhà nước hỗ trợ quỹ bảo hiểm xã hội để đủ chi cho quỹ thai sản. “Chúng ta vì một nguồn nhân lực đáp ứng với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, vì thế hệ tương lai hãy dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất” – ĐB Hoàn nói.
Tuy nhiên, ĐB Cù Thị Hậu (Hưng Yên) lại có cách nhận định khác, ĐB Hậu đề nghị không nên cào bằng cả những người lao động mệt nhọc, độc hại với những người lao động bình thường đều nghỉ 6 tháng như nhau. “Nếu kéo dài lên 6 tháng, những người lao động độc hại, mệt nhọc được 7 tháng, bảo vệ sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em chứ không chỉ bảo vệ trẻ em không” – ĐB Hậu nói.
Cũng theo ĐB Phương, để công bằng đối với phụ nữ cũng như trẻ em thì Bộ luật nên quy định là trong thời gian nghỉ thai sản, nếu mẹ hoặc bé bị bệnh thì ông bố có thể được nghỉ thêm 3 ngày nữa để chăm sóc mẹ và bé ngoài thời gian nghỉ chăm sóc vợ khi sinh.
Cũng với nội dung này, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề xuất, cần bổ sung thêm chế độ bảo mẫu hoặc chế độ nghỉ cho bố nếu người mẹ sinh con không sống thì người bố cũng phải có quyền nuôi con hoặc thuê bảo mẫu.
ĐB Nguyễn Thanh Thảo (Đồng Tháp) nhấn mạnh, cũng cần thêm quy định đối với trường hợp người mẹ sinh con xong thì không còn nữa hoặc người mẹ bị bệnh tật, người mẹ bỏ đi không nuôi dưỡng con mình… thì lúc này tất cả gánh nặng sẽ đặt vào người cha – “tôi đề nghị phải bổ sung thêm quy định là cha cũng sẽ được nghỉ 6 tháng để nuôi con hoặc được hỗ trợ để có thể nhờ người khác nuôi con mình trong khoảng thời gian 6 tháng này để đảm bảo quyền lợi của đứa bé”.
Nguồn VTC.VN