Ngủ sớm, dậy muộn
Theo Đông y, do mùa đông mang thuộc tính âm, ngủ sớm sẽ có tác dụng dưỡng dương khí, dậy muộn giúp củng cố âm tinh cho cơ thể.
Ngoài ra, cũng nên chú ý giữ ấm, chăm sưởi nắng và tránh không để bị nhiễm lạnh, giảm tối đa kích thích của không khí lạnh lên cơ thể.
Ngâm chân nước ấm, mát-xa lòng bàn chân
Trong mùa đông, giữ cho đôi chân khoẻ mạnh chính là cách để bảo vệ sức khoẻ.
Nên thường xuyên thay tất, giữ vệ sinh cho đôi chân, và kiên trì ngâm chân nước ấm mỗi ngày. Ngoài ra, mỗi ngày cũng nên đi bộ khoảng 30 phút. Mỗi sáng tối, kiên trì mát-xa lòng bàn chân cũng sẽ giúp thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu.
Ăn các thực phẩm bổ thận
Mùa đông thuộc hành thuỷ, thận cũng thuộc hành thuỷ, nên khi đông về, thận thường dễ bị tổn thương. Do đó, trong mùa đông tốt nhất nên ăn các thực phẩm bổ thận.
Cần lưu ý trong ngũ vị, vị mặn có lợi cho thận, vị ngọt là khắc tinh của thận để có sự lựa chọn phù hợp. Ngoài ra, các thực phẩm bồi bổ cũng khác nhau theo từng thể chất. Thông thường người âm suy có thể ăn thịt dê, thịt gà, thịt chó… Người khí huyết kém có thể ăn thịt ngan, thịt vịt, thịt chim… Người thường có cảm giác lúc nóng lúc lạnh có thể dùng kỳ tử, táo tàu, vừng đen, mộc nhĩ, hồ đào…
Ăn cháo bồi bổ cơ thể
Món ăn dưỡng sinh phù hợp nhất cho mùa đông là cháo nóng. Ăn cháo nóng thường xuyên sẽ tăng cường nhiệt lượng và dưỡng chất cho cơ thể. Ăn các món cháo táo tàu gạo nếp, cháo bát bảo… buổi sáng sớm và trong bữa tối có tác dụng điều vị, giúp giảm cân.
Cũng có thể dùng cháo long nhãn để dưỡng tâm an thần, cháo vừng ích tinh dưỡng âm, cháo củ cải giúp tiêu đờm, chào hồ đào giúp dưỡng âm củng cố tinh, cháo ngân nhĩ dưỡng phổi, cháo hoa cúc giúp sáng mắt giải nhiệt…
Vận động để giữ ấm và dưỡng tinh thần
Với thuộc tính âm của mùa đông, việc dưỡng sinh cần chú trọng dưỡng dương, củng cố âm tinh, giữ ấm cho cơ thể. Do đó, nên thường xuyên vận động để tăng cường sức khoẻ.
Ngoài ra, mùa đông lạnh thường dễ khiến tâm trạng bị trùng xuống, gây cảm giác trầm cảm. Cách tốt nhất để bạn tránh tình trạng này cũng là vận động. Bạn có thể chọn loại hình vận động phù hợp thể chất như chạy chậm, nhảy dây, trượt băng, đánh bóng…Đây chính là liều thuốc tốt nhất để tránh chứng buồn chán mùa đông, và giúp điều hoà tinh thần.
Mở cửa sổ lưu thông không khí
Mùa đông lạnh, bạn thường có thói quen lúc nào cũng đóng chặt cửa? Thói quen này hoàn toàn không có lợi cho sức khoẻ. Bởi mùa đông, mức độ ô nhiễm không khí trong phòng cao hơn bên ngoài khoảng 10 lần. Bạn cần thường xuyên mở cửa ban ngày để giúp lưu thông không khí, mang lại hiệu quả kiện não, tỉnh táo tinh thần.
Uống đủ nước thúc đẩy quá trình trao đổi chất
Bạn nghĩ mùa đông cơ thể hoạt động ít, không thường có cảm giác khát, nên không cần uống nhiều nước? Thực tế, mùa đông tuy lượng nước cơ thể bài thải ít, nhưng để duy trì các tế bào cơ quan trong cơ thể hoạt động bình thường, cơ thể vẫn cần được cung cấp trung bình 2l nước mỗi ngày để đảm bảo cho quá trình trao đổi chất.
Nguồn Báo điện tử Dân trí