"Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV"

(NTO) Mục tiêu "Ba không" của Liên Hợp Quốc

Mặc dù theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, xu hướng mới nhiễm HIV trên toàn cầu có xu hướng giảm trong những năm gần đây, tuy nhiên ở một số vùng trên thế giới vẫn có xu hướng gia tăng. Hiểu biết của người dân về HIV còn hạn chế. Theo các điều tra gần đây nhất ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, chỉ có 24% phụ nữ trẻ và nam giới trẻ trả lời chính xác 5 câu hỏi về các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV và phản đối những quan niệm sai lầm về lây nhiễm HIV. Nhận thức và kiến thức về HIV thấp sẽ tiếp tục là những thách thức toàn cầu trong những năm tới trong việc kiểm soát sự lây nhiễm HIV. Các báo cáo cũng cho thấy các ca nhiễm mới HIV trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vẫn tập trung trong các nhóm chính có nguy cơ lây nhiễm cao, gồm những người tiêm chích ma túy, người mua và bán dâm, nam có quan hệ tình dục đồng với nam và những người chuyển giới.

Trên thế giới cũng như trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, số người tiếp cận được điều trị kháng vi-rút (ARV) để tiếp tục sống đã tăng gấp ba lần kể từ năm 2006. Tuy vậy, đến nay vẫn còn hơn 60% số người đủ tiêu chuẩn điều trị ARV trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vẫn chưa tiếp cận được với các thuốc có ý nghĩa sống còn này với họ. Ở Việt Nam, số người được điều trị ARV đã tăng 18 lần và số người chết liên quan đến AIDS đã giảm nhanh trong vòng năm năm qua, tuy nhiên do nhiều lý do khác nhau vẫn còn hơn một nửa số người lớn nhiễm HIV/AIDS có nhu cầu nhưng vẫn chưa chưa được tiếp cận điều trị kháng vi-rút. Do vậy để thực hiện được mục tiêu không còn người chết liên quan đến AIDS thì ngoài các giải pháp mang tính đồng bộ, các giải pháp tăng cường sự tiếp cận của người nhiễm HIV/AIDS với các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS đóng vai trò quan trọng.

Đã 30 năm đương đầu với HIV/AIDS, nhiều thành tựu đã đạt được trong phòng, chống HIV/AIDS, tuy nhiên tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến nhiễm HIV/AIDS vẫn còn tồn tại khá phổ biến tại tất cả các quốc gia trên thế giới. Nhiều quốc gia vẫn còn những quy định cấm những người nhiễm HIV nhập cảnh và cư trú hoặc tồn tại tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo hành giới liên quan đến HIV/AIDS... Cả trên thế giới cũng như ở Việt Nam, kỳ thị và phân biệt đối xử tiếp tục là nguyên nhân hạn chế những người có hành vi nguy cơ cao cũng như những người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị nhiễm HIV/AIDS cũng như là những rào cản đối với việc thực hiện đầy đủ các quyền của người nhiễm HIV/AIDS, bao gồm quyền học hành, lao động v.v…đã được pháp luật các quốc gia quy định.

Liên Hợp Quốc khuyến cáo, từ chủ đề chung của Chiến dịch Phòng, chống HIV/AIDS toàn cầu trong giai đoạn 2011-2015,  hàng năm các quốc gia, tùy theo tình hình dịch HIV/AIDS và thực tế công tác phòng, chống HIV/AIDS có thể lựa chọn các ưu tiên khác nhau để hướng tới mục tiêu “Ba không” nói trên và Việt Nam đã chính thức chọn chủ đề cho Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2001 là: “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV”.

Năm 2011 Việt Nam lại tập trung vào chủ đề “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV”

Tuy dịch HIV/AIDS ở Việt Nam đã bị kìm chế ở mức độ thấp, số người mới phát hiện nhiễm HIV đã giảm liên tục trong 3 năm gần đây nhưng vẫn chưa đủ bền vững. Dịch HIV/AIDS vẫn tiếp tục lây lan trên đất nước ta với một số xu hướng thay đổi đáng lưu ý như gia tăng sự lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục, gia tăng số người nhiễm HIV vốn được coi là những người ít có nguy cơ như phụ nữ mang thai… Một bộ phận dân cư vẫn chưa thực sự có nhận thức đúng đắn về HIV/AIDS. Hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV trong một số nhóm người như tiêm chích ma túy, phụ nữ bán dâm vẫn còn ở mức độ cao… Điều đó có nghĩa là, mặc dù chúng ta đã làm giảm được tốc độ lây lan của HIV, nhưng dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến khó lường và tiềm ẩn các yếu tố có thể gây bùng nổ dịch nếu chúng ta không có những biện pháp ứng phó toàn diện và quyết liệt hơn.

Do vậy kiểm soát sự lây nhiễm HIV trong cộng đồng đã là một trong những mục tiêu ưu tiên của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2010 và tiếp tục cho giai đoạn 2011-2020.