Theo ông John Caslione, Chủ tịch sáng lập đồng thời là Giám đốc điều hành Công ty GCS Business Capital, Mỹ có thể thoát khỏi suy thoái dù nợ của Chính phủ Mỹ đã vượt ngưỡng 15.000 tỷ USD, sắp kịch mức trần được Quốc hội phê chuẩn hồi tháng 8-2011. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ bước vào giai đoạn khó khăn hơn trong năm 2013 khi kỷ nguyên cắt giảm thuế từ thời cựu Tổng thống Bush kết thúc.
Châu Á chắc chắn không thể "miễn dịch" hoàn toàn với những ảnh hưởng từ sự sa sút kinh tế của thế giới phát triển. Các thống kê của Xingapo cho thấy trong tháng 10/2011, xuất khẩu phi dầu mỏ của nước này sang Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) lần lượt giảm 51% và 31%, vượt dự kiến ở mức 16,2%. Thế nhưng, theo đánh giá của Ngân hàng Merrill Lynch của Mỹ, kinh tế châu Á (trừ Nhật Bản) sẽ vẫn vững vàng.
Trung Quốc - hiện là "đầu tàu" tăng trưởng kinh tế của châu Á - được nhìn nhận có khả năng thích ứng tốt nhất và bất kỳ tác động nào của việc vỡ "bong bóng" bất động sản cũng sẽ tiêu tan nhờ chính sách quản lý hợp lý. Lãnh đạo các doanh nghiệp tin tưởng Trung Quốc sẽ giải quyết tốt tỷ lệ nợ cao của chính quyền các địa phương. Thực tế cho thấy thu thuế của chính quyền địa phương chiếm tới 88% tổng doanh thu thuế của cả nước và nguồn thu này tăng trung bình 30% mỗi năm.
Fu Yuning, Chủ tịch China Merchants Group, cho biết Trung Quốc đang trong quá trình điều chỉnh cơ cấu tiêu thụ trong nước, để tiêu dùng nội địa trở thành động lực chủ chốt của nền kinh tế quốc dân. Trong năm 2010, tiêu dùng đóng góp 45% vào tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trong khi tỷ lệ đóng góp của lĩnh vực xuất khẩu cho nền kinh tế lại giảm từ 37% năm 2007 xuống 26% năm 2010. Ngân hàng America Merrill Lynch cũng dự báo thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ điều chỉnh lùi 30%, song sự điều chỉnh này có thể kiểm soát được.