Báo cáo năm nay có chủ đề “Dịch vụ xã hội cho phát triển con người”, phân tích sự tiến bộ về phát triển con người của Việt Nam ở cấp địa phương, tập trung đặc biệt vào các vấn đề về sức khỏe và giáo dục. Báo cáo đã nhận diện những thách thức mà nhiều người Việt Nam đang phải đối mặt trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và đưa ra khuyến cáo về những định hướng chính sách.
Ba chỉ số phát triển con người chính đã được xem xét, bao gồm Chỉ số Phát triển con người (HDI), Chỉ số Phát triển giới (GDI) và Chỉ số Nghèo đói ở con người (HPI). Đồng thời, Báo cáo cũng đã đưa ra một phương pháp đo lường nghèo đói và thiếu hụt phi tiền tệ là Chỉ số nghèo đói đa chiều (MPI) nhằm xem xét những thay đổi về khía cạnh thu nhập, tuổi thọ, giáo dục và mức sống trong phát triển con người ở cấp địa phương trong giai đoạn 1999-2008.
Theo Báo cáo, Việt Nam tiếp tục đạt được tiến bộ về Chỉ số Phát triển con người (HDI) và các chỉ số liên quan với thứ tự xếp hạng chỉ số HDI ở mức khá cao trên thế giới.
Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý là tăng trưởng về chỉ số giáo dục của Việt Nam đã chậm lại trong thập kỷ qua, đặc biệt trong giai đoạn 2004-2008; không tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tình hình trong lĩnh vực y tế cũng tương tự. Ở góc độ địa phương, mặc dù các tỉnh nghèo hơn đã đạt được một số tiến bộ về HDI, nhưng khoảng cách giữa các tỉnh nghèo và các tỉnh giàu vẫn còn rất lớn. Đồng thời, tiến bộ về HDI ở một số tỉnh giàu hơn có xu hướng tăng chậm lại do tiến bộ chậm về chỉ số giáo dục.
Liên quan tới chỉ số GDI đo lường bất bình đẳng về giới, trong khi khoảng cách về giới nói chung đang dần được thu hẹp, thì một số tỉnh nghèo hơn lại có sự chênh lệch về giới trong giáo dục tăng lên. Trong khi đó, một số tỉnh phát triển năng động lại có khoảng cách chênh lệch thu nhập gia tăng giữa nam và nữ.
Đặc biệt, Chỉ số nghèo đói đa chiều (MPI) được đưa ra trong báo cáo này cho thấy mức độ thiếu hụt rất cao về phương diện phi tiền tệ ở các tỉnh và các khu vực nghèo hơn của Việt Nam.
Đây là những vấn đề rất quan trọng đối với Việt Nam, đòi hỏi sự ưu tiên nhiều hơn của các nhà hoạch định chính sách, bản Báo cáo khuyến nghị.
Báo cáo Phát triển con người của Việt Nam lần đầu tiên được UNDP công bố vào năm 2001 đã tập trung vào những cải cách của thời kỳ đổi mới và những ảnh hưởng của công cuộc đổi mới tới giảm nghèo và phát triển con người.
Theo SGGP Online