(NTO) Hội đã thành lập được 7 nhóm lồng ghép, ở 5 thôn, thu hút trên 210 thành viên, đa số các chị thuộc đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ, có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế gia đình, tự nguyện tham gia nhóm và cam kết thực hiện tốt công tác chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Chị Chamaléa Thị Hà, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phước Đại cho biết: “Cùng với những nội dung tuyên truyền phong phú, đi sát với đời sống thực tế của người dân, cộng với đội ngũ tuyên truyền viên nhiệt tình nên thời gian qua công tác lồng ghép tuyên truyền chăm sóc SKSS/KHHGĐ với tiết kiệm tín dụng, bình đẳng giới của phụ nữ xã thực hiện rất hiệu quả, giờ đây chị em được trang bị kiến thức về SKSS/KHHGĐ, vì vậy chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình”.
Cán bộ Hội Phụ nữ xã tuyên truyền công tác chăm sóc SKSS cho bà mẹ và trẻ em
tại một hộ dân tại thôn Tà Lú 1
Với đặc điểm đa phần chị em là đồng bào Raglai, có trình độ dân trí hạn chế nên các tuyên truyền viên luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với các cô đỡ thôn bản, cố gắng tuyên truyền lồng ghép kiến thức về chăm sóc SKSS với nội dung và cách trình bày sao cho dễ hiểu, dễ làm để chị em dễ tiếp thu. Chị Pinăng Thị Loan, cán bộ Hội Phụ nữ xã cho biết: “Trong những buổi sinh hoạt, mình lồng ghép những lời khuyên đối với chị em đã lập gia đình và còn độc thân những kiến thức về chăm sóc sức khỏe như khi có thai uống viên sắt, thăm khám sức khỏe định kỳ, các biện pháp chăm sóc sức khỏe cho mẹ và trẻ sơ sinh. Áp dụng các biện pháp tránh thai để KHHGĐ, mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có từ 1 đến 2 con là đủ. Hình thức sinh hoạt nhẹ nhàng, cởi mở nên chị em tham gia khá đông. Từ đó nhận thức của họ được nâng lên rõ rệt.”.
Chị Pi-năng Thị Hoa, thôn Tà Lú 1 chia sẻ: “Được cán bộ y tế thôn bản, rồi chị em tư vấn cách chăm sóc sức khỏe khi có thai, rồi vận động không sinh con ở nhà. Cả hai lần sinh con là mình đều kêu gia đình chở ra trung tâm y tế cho đảm bảo an toàn. Chị em trong thôn ai cũng nhắc nhau làm như vậy”.
Hồng Nhạn