Ngân hàng Nhà nước đề xuất 7 biện pháp quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý, thẩm định của Bộ, ngành, tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã hoàn thiện dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, gồm 7 chương 24 điều thay thế Nghị định số 174/1999/NĐ-CP ngày 9/12/1999 của Chính phủ. Trong đó đề xuất 7 biện pháp quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh vàng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, thực trạng thị trường vàng cho thấy, thời gian qua một số doanh nghiệp lợi dụng chức năng kinh doanh vàng trong giấy phép để môi giới, tổ chức các sàn giao dịch vàng nhỏ làm chân rết cho các sàn vàng lớn, liên kết với nhau làm giá, đầu cơ trên thị trường, hoạt động mua bán ngoại tệ trái phép, tung tin thất thiệt ảnh hưởng tâm lý của người dân về giá vàng và ngoại tệ để đầu cơ trục lợi.

Hoạt động buôn lậu vàng qua biên giới diễn ra tương đối phổ biến; tình trạng xuất khẩu vàng nguyên liệu trá hình dưới dạng vàng trang sức trong những năm vừa qua cũng khá phổ biến…

Hạn chế kinh doanh vàng miếng, nhưng vẫn đảm bảo quyền tích trữ, mua bán vàng của người dân

Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng dự thảo Nghị định nêu trên theo hướng tổ chức lại thị trường vàng thông qua việc Ngân hàng Nhà nước quản lý chặt chẽ và can thiệp mạnh vào thị trường vàng, nhằm ngăn ngừa hoạt động đầu cơ vàng, hạn chế kinh doanh vàng miếng nhưng vẫn đảm bảo quyền tích trữ vàng, mua bán vàng của người dân.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đề xuất 7 biện pháp quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh vàng như sau:

Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất vàng miếng. Ngân hàng Nhà nước cho biết, hoạt động sản xuất vàng miếng có tác động rất lớn tới nguồn cung vàng miếng trong nước, nên để bình ổn thị trường vàng, hoạt động sản xuất vàng miếng cần được quản lý, kiểm soát chặt chẽ.

Do vậy, khác so với trước đây Ngân hàng Nhà nước cho phép 8 tổ chức tín dụng (TCTD) và doanh nghiệp kinh doanh vàng đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép sản xuất vàng miếng, dự thảo Nghị định đưa ra các điều kiện chặt chẽ đối với doanh nghiệp được phép sản xuất vàng miếng.

Cụ thể, để được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp phép sản xuất vàng miếng, các doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau đây: (i) Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký hoạt động sản xuất vàng miếng trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; (ii) Có vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng trở lên; (iii) Có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất vàng miếng; (iv) Chiếm từ 25% thị phần sản xuất vàng miếng trong nước trở lên trong 3 năm liên tiếp gần nhất.

Ngân hàng Nhà nước dự kiến với các điều kiện nêu trên, số lượng doanh nghiệp được phép sản xuất vàng miếng sẽ giảm xuống đáng kể.

Đồng thời, dự thảo cũng quy định rõ việc sản xuất vàng miếng được thực hiện theo hạn mức do Ngân hàng Nhà nước cấp từng lần.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định cụ thể trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất vàng miếng, đặc biệt là quy định kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.

Theo thống kê, hiện tại trên cả nước có khoảng 12.000 doanh nghiệp kinh doanh vàng, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Thứ hai, thu hẹp đối tượng được phép kinh doanh mua bán vàng miếng, không khuyến khích mua bán vàng miếng. Hiện nay, hoạt động mua bán vàng miếng được thực hiện khá tự do tại hầu hết 12.000 doanh nghiệp kinh doanh vàng, gây khó khăn cho công tác quản lý và tăng nguy cơ “vàng hóa”. Khắc phục tình trạng này, dự thảo Nghị định bổ sung quy định coi hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng là hoạt động kinh doanh có điều kiện, có cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

Đồng thời, dự thảo cũng bổ sung quy định về điều kiện chặt chẽ đối với hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng. Cụ thể, để được Ngân hàng nhà nước cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh mua bán vàng miếng, các doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: (i) Là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; (ii) Có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên; (iii) Có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 năm trở lên; (iv) Có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 (năm trăm) triệu đồng/năm trở lên trong 2 (hai) năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế); (v) Có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 (ba) tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

Như vậy, với các điều kiện chặt chẽ như trên, dự kiến số lượng doanh nghiệp được phép kinh doanh mua bán vàng miếng sẽ thu hẹp đáng kể từ trên 10 nghìn doanh nghiệp như hiện nay xuống chỉ còn một số doanh nghiệp, tổ chức tín dụng có khả năng tài chính, kinh nghiệm, uy tín trong lĩnh vực kinh doanh vàng được phép tiếp tục thực hiện mua bán vàng miếng.

Ngoài ra, để tăng cường hiệu quả quản lý, dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định: “Hoạt động mua, bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng”.

Như vậy, việc kinh doanh vàng miếng không có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước và hoạt động mua bán vàng miếng trên thị trường tự do là hoạt động bất hợp pháp và sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của Nghị định 95/2011/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành.
Trong giai đoạn 2008-2009, tính đến cuối 2009, cả nước có 8 sàn giao dịch vàng của các tổ chức tín dụng. Hoạt động của các sàn giao dịch vàng không những gây rủi ro lớn cho các sàn vàng, nhà đầu tư mà còn có nhiều tác động tiêu cực tới nền kinh tế và xã hội.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, trong năm 2010, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai biện pháp nhằm chấm dứt hoạt động kinh doanh sàn giao dịch vàng trong nước và kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài.

Đến 30/3/2010, tất cả 8 sàn giao dịch vàng thuộc tổ chức tín dụng đều đã đóng, tất toán tài khoản của khách hàng và không gây biến động trên thị trường vàng.

Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước quản lý chặt chẽ hoạt động xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu. NHNN là cơ quan tổ chức và/hoặc cấp phép hoạt động xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu. Theo quy định này, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức xuất nhập khẩu hoặc cấp phép cho doanh nghiệp, tổ chức tín dụng xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu. Ngân hàng Nhà nước sẽ lựa chọn hình thức phù hợp với thực tế và mục tiêu quản lý theo từng giai đoạn.

Quy định này nhằm tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước quản lý, kiểm soát lượng vàng nguyên liệu xuất khẩu, nhập khẩu cũng như điều tiết cung-cầu trên thị trường, hạn chế tình trạng xuất nhập lậu vàng, đầu cơ, lũng đoạn thị trường.

Thứ tư, Ngân hàng Nhà nước thực hiện quản lý chặt chẽ hơn hoạt động sản xuất, mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ. Theo dự thảo Nghị định, hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ phải được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Quy định này là cơ sở để cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu.

Mặt khác, việc yêu cầu các doanh nghiệp phải đóng mã ký hiệu và hàm lượng vàng trên sản phẩm và công bố tiêu chuẩn áp dụng sẽ góp phần kiểm soát chất lượng và hạn chế tình trạng gian lận tuổi vàng.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ, dự thảo Nghị định quy định theo hướng hoạt động này là hoạt động kinh doanh có điều kiện nhưng không cần cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

Thứ năm, quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh vàng khác. Dự thảo Nghị định quy định các hoạt động kinh doanh vàng khác, ngoài hoạt động được quy định trong dự thảo Nghị định sẽ chỉ được phép thực hiện sau khi Thủ tướng Chính phủ cho phép và được Ngân hàng Nhà nước cấp phép.

Thứ sáu, tạo cơ chế cho phép Ngân hàng Nhà nước thực hiện các biện pháp can thiệp bình ổn thị trường vàng khi có diễn biến bất thường. Để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động can thiệp của Ngân hàng Nhà nước nhằm bình ổn thị trường vàng khi có diễn biến bất thường, dự thảo Nghị định quy định cho phép Ngân hàng Nhà nước thực hiện can thiệp bình ổn thị trường vàng thông qua các hoạt động: (i) Cấp phép sản xuất vàng miếng; (ii) Tổ chức mua bán vàng miếng trên thị trường trong nước; (iii) Tổ chức xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu; (iv) Tổ chức huy động vàng.

Việc nâng cao vai trò can thiệp và quản lý của NHNN sẽ giúp kiểm soát cung – cầu vàng trên thị trường, bình ổn giá vàng, từ đó khắc phục tình trạng đầu cơ, lũng đoạn thị trường, đồng thời góp phần tiết kiệm ngoại tệ để nhập khẩu vàng. Đồng thời, hoạt động mua, bán vàng can thiệp của NHNN trong tương lai có thể giúp duy trì mức chênh lệch hợp lý giữa giá vàng trong nước và quốc tế, do đó hạn chế việc buôn lậu vàng qua biên giới.

Thứ bảy, Nhà nước thực hiện điều tiết thị trường vàng thông qua chính sách thuế. Theo đề xuất này, ngoài chính sách thuế xuất khẩu, nhập khẩu vàng, Bộ Tài chính sẽ làm đầu mối kiến nghị việc ban hành chính sách thuế đối với kinh doanh vàng trong nước như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập nhằm giảm tính hấp dẫn của việc mua bán, tích trữ vàng miếng. Đây sẽ là biện pháp kinh tế có hiệu quả cao trong việc góp phần hạn chế tình trạng ”vàng hoá” trong nước.

Theo Ngân hàng Nhà nước, 7 biện pháp trên cùng với các biện pháp chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm quy định pháp luật về ngoại hối, vàng vừa được Chính phủ ban hành tại Nghị định 95/2011/NĐ-CP sẽ tạo cơ chế đồng bộ, hiệu quả xử lý cơ bản các vấn đề bất cập của thị trường vàng.

Việc thực hiện nghiêm các biện pháp nêu trên sẽ giúp thị trường vàng bình ổn, qua đó từng bước hạn chế tình trạng “vàng hóa”, hạn chế ảnh hưởng của thị trường vàng đến việc điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan.

Nguồn www.chinhphu.vn