Hiệu quả mô hình kinh tế tập thể ở huyện Ninh Phước

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá IX) và Nghị quyết số 15- NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”, những năm qua, huyện Ninh Phước đã cụ thể hóa các nghị quyết trên bằng việc khuyến khích các thành phần kinh tế trên địa bàn chủ động liên doanh, liên kết thành các hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác (THT) để mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả.

(NTO) Ngoài việc giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương, các HTX và THT còn góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, xây dựng nông thôn mới.

HTX Sản xuất Kinh doanh Dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân
đã phát triển lên 10 cơ sở, thu hút trên 1.500 lao động địa phương tham gia. Ảnh: Văn Miên

Đồng chí Thiên Nhàn, Phó Trưởng Phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2011, địa phương đã thành lập mới được 3 HTX tiểu thủ công nghiệp, nâng tổng số lên 27 HTX hoạt động theo Luật HTX trên các lĩnh vực: Cung ứng vật tư nông nghiệp, xây dựng, tín dụng... Nhiều HTX đã mở rộng quy mô kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nên từ chỗ sản xuất nhỏ lẻ đến nay đã vươn lên trở thành những HTX, THT ăn nên làm ra. Đơn cử như làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, trước thời điểm năm 2002, toàn thôn chỉ có 3 cơ sở tham gia làm nghề dệt và chủ yếu mang tính tự phát theo hộ cá thể nên sản phẩm làm ra rất khó tiêu thụ, nhưng sau khi HTX Sản xuất, kinh doanh dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp được thành lập đã phát triển lên 10 cơ sở, thu hút trên 1.500 lao động địa phương làm nghề dệt. Trung bình một năm mỗi cơ sở dệt được từ 4.000m đến 6.000m sản phẩm. Từ các loại vải dệt này bà con đã tạo ra nhiều sản phẩm tiêu dùng như: Tấm drap, chăn, túi xách, ví, khăn, áo, nón, quà lưu niệm... Ngoài việc đa dạng hoá sản phẩm, liên kết lại với nhau để xây dựng thương hiệu cho làng nghề, các cơ sở sản xuất trong HTX còn rất năng động trong việc tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ, nên đến nay thổ cẩm Mỹ Nghiệp không chỉ vươn đến các tỉnh, thành trong nước như: Lâm Đồng, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột, Hà Nội, mà còn ra đến nước ngoài như Trung Quốc, Pháp… Nhờ đó, doanh thu hàng năm của làng nghề đạt từ 10 tỷ – 15 tỷ đồng, góp phần giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động địa phương, với thu nhập bình quân từ 800 ngàn đồng đến 1,2 triệu đồng/người/tháng.

Trung tâm Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố thí nghiệm các giống lúa mới
tại thôn Hoài Nhơn, xã Phước Hậu (Ninh Phước). Ảnh: Duy Anh.

Cùng với làng nghề truyền thống Mỹ Nghiệp, một số HTX sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Ninh Phước cũng ngày càng phát huy tốt vai trò kinh tế tập thể của mình, góp phần nâng cao đời sống cho xã viên. Cụ thể như HTX nông nghiệp Hoài Trung, xã Phước Thái, ở thời điểm năm 1996 khi mới thành lập cả HTX chỉ có vài chục hộ xã viên tham gia, nhưng sau 15 năm đi vào hoạt động theo Luật HTX mới, đến nay HTX nông nghiệp Hoài Trung đã từng bước hoàn thiện mô hình tổ chức và có nhiều phương thức sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, nên đã thu hút 267 hộ xã viên, 895 cổ phần tham gia. Để góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất cho xã viên, hằng năm bước vào vụ sản xuất, ngoài việc chủ động phối hợp với Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư, Phòng Nông nghiệp của huyện Ninh Phước chuyển giao kịp thời các tiến bộ khoa học- kỹ thuật về quy trình canh tác cây trồng cho xã viên, HTX còn đầu tư và thực hiện có hiệu quả các khâu dịch vụ như: làm đất, cung ứng giống, vật tư phân bón cho các hộ xã viên theo phương thức ứng trước từ đầu vụ và đến cuối vụ thu hoạch xong mới thu lại. Bên cạnh đó, HTX còn thực hiện tốt khâu chọn giống phù hợp theo từng mùa vụ, nạo vét kênh mương nội đồng, đảm bảo tưới tiêu cho diện tích đất sản xuất của xã viên, nhờ đó xã viên HTX có điều kiện thâm canh tốt, tăng năng suất thu hoạch, phát triển kinh tế gia đình. Với cách làm năng động trên của HTX đã giúp cho các hộ xã viên có điều kiện mở rộng sản xuất, chăn nuôi tăng thu nhập, đồng thời nguồn vốn lưu động của HTX đến nay cũng được tăng lên rất nhiều. Hiện số hộ xã viên của HTX đạt diện khá giàu chiếm hơn 30%, số còn lại đều đủ ăn, không còn tình trạng thiếu đói.

Điều đáng ghi nhận nữa trong bước phát triển các mô hình kinh tế tập thể ở huyện Ninh Phước đó là các HTX và THT luôn có sự thống nhất trong khâu tổ chức, đến tìm nguồn giống và đầu ra cho sản phẩm. Điển hình như ở vùng trồng rau an toàn ở xã An Hải, trước đây cứ vào mùa thu hoạch là trên 100 hộ trồng rau ở các thôn Tuấn Tú, Nam Cương rất lúng túng trong việc tiêu thụ sản phẩm của mình. Nhưng cách đây 2 năm, được sự hỗ trợ của xã, bà con trồng rau đã liên kết lại với nhau thành lập 1 HTX và 1 tổ sản xuất thì việc tiêu thụ sản phẩm và năng suất, chất lượng rau sạch ở đây được nâng lên đáng kể. Ông Huỳnh Minh Kịch, người trồng rau ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải cho biết: “Ngoài việc phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật tổ chức tập huấn giúp các hộ nắm thêm kỹ thuật trồng, cách chăm sóc, hạn chế sử dụng phân hóa học, trước mỗi vụ trồng HTX còn tìm hiểu rõ nhu cầu của thị trường rồi chọn giống rau thích hợp để bà con gieo trồng, nên rau xanh ở đây được thị trường tiêu thụ mạnh và bán được giá, đời sống của các hộ dân nhờ đó cũng được cải thiện hơn.

Từ những kết quả trên có thể khẳng định, mô hình kinh tế tập thể ở huyện Ninh Phước đã có những bước chuyển đáng kể, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động địa phương. Chính nhờ bước tiến này mà đến nay nền kinh tế của huyện Ninh Phước đã tăng trưởng khá và vững chắc, góp phần đưa tổng giá trị sản xuất các ngành trên địa bàn huyện trong 9 tháng đạt 982, 61 tỷ đồng, tăng 13,49% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, để kinh tế tập thể ở huyện Ninh Phước tiếp tục phát triển đúng hướng và mang lại hiệu quả cao, ngoài sự nỗ lực của ban quản lý, xã viên các HTX, chính quyền các cấp cần quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý, nhất là đào tạo nghề cho lao động, tìm đầu ra cho sản phẩm của các HTX cũng như mở rộng quan hệ làm ăn với các đối tác, mở rộng thị trường kinh doanh với các địa phương trong và ngoài tỉnh. Nếu làm tốt điều này tin chắc rằng mô hình kinh tế tập thể của huyện Ninh Phước sẽ còn mang lại hiệu quả cao hơn nữa, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới.