Phát triển hạ tầng giao thông- Đòn bẩy cho phát triển kinh tế-xã hội

Cùng với việc đầu tư phát triển sản xuất, trong những năm qua, tỉnh ta đã tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

(NTO) Giao thông là một trong những yếu tố quan trọng, không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, mà còn mở ra cơ hội kết nối giao thương giữa các vùng miền, các vùng kinh tế trọng điểm trong và ngoài tỉnh, thúc đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH tỉnh nhà. Những năm qua, cùng với sự đầu tư của Trung ương, tỉnh ta luôn ưu tiên xây dựng hạ tầng giao thông với tốc độ phát triển nhanh, bền vững. Chỉ tính riêng từ năm 2005 đến nay, thông qua các nguồn vốn, Sở Giao thông vận tải và các huyện, thành phố đã đầu tư hơn 686 tỷ đồng để xây mới 6 cầu (tổng chiều dài 280 m), thay thế 4 cầu yếu trên quốc lộ 1A và thực hiện 27 dự án xây mới hoặc cải tạo và nâng cấp đường bộ, với chiều dài 391,81 km. Đặc biệt, được sự giúp đỡ của Trung ương, tỉnh ta còn triển khai hàng loạt dự án giao thông lớn như: Dự án xây dựng tuyến đường ven biển Bình Tiên – Cà Ná, dự án đầu tư mở rộng tuyến tránh quốc lộ 1 A, nâng cấp quốc lộ 27, 27B, đường đôi cửa ngõ phía Bắc vào Tp.Phan Rang – Tháp Chàm...

Thi công tuyến đường An Hòa-Phước Trung. Ảnh: Văn Miên

Cùng với đầu tư phát triển có hiệu quả các tuyến đường lớn huyết mạch trên, một số tuyến tỉnh lộ, liên huyện, liên xã như đường Ma Nới - Gia Hoa, Lâm Sơn - Phước Hòa, Phước Sơn - Hòa Sơn, Ninh Bình-Phước Bình, Phước Trung-Phước Đại hiện đã được nâng cấp, thảm nhựa, bê-tông xi-măng, tạo điều kiện cho các xã miền núi thuộc các huyện Bác Ái, Ninh Sơn... ngày một khởi sắc. Cùng với đó, thực hiện Đề án "Phát triển giao thông nông thôn - miền núi" theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, từ năm 2003 – 2010, tỉnh ta đã chỉ đạo các địa phương tích cực vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của tương ứng từ 20% – 40% tổng kinh phí để xây dựng được 685,82 km đường giao thông nội phường, nội xã, với tổng vốn đầu tư trên 484 tỷ đồng, trong đó Nhà nước đầu tư trên 419 tỷ đồng và vốn nhân dân đóng góp là 65,123 tỷ đồng.

Thành công lớn nhất trong tiến trình xây dựng hệ thống giao thông ở tỉnh ta là sự tranh thủ được các nguồn vốn. Đơn cử như huyện Bác Ái, dù còn nhiều khó khăn của một huyện miền núi, nhưng trong 5 năm (2005-2010), thông qua các nguồn vốn, huyện đã đầu tư gần 38 tỷ đồng xây dựng 37 công trình giao thông liên thôn, liên xã với tổng chiều dài gần 30km. Để việc đầu tư phát triển hệ thống giao thông ngày càng thật sự hiệu quả, phục vụ đắc lực cho việc xây dựng nông thôn mới, ngoài việc đầu tư trên 4 tỷ đồng xây dựng 3 tuyến đường phục vụ sản xuất, gồm: Đường vào vùng sản xuất Chà Là-Núi Rây, xã Phước Chính, dài 900m; đường vào vùng sản xuất khu tái định cư xã Phước Thắng, dài 1km và đường vào khu sản xuất của xã Phước Tiến dài trên 1,5km, hiện tại huyện Bác Ái đang tiếp tục đầu tư trên 7 tỷ đồng để thi công 4 công trình gồm: Nâng cấp trục đường A7-C8, đường Phước Tiến đi Phước Tân, đường vào vùng sản xuất Gia Nhông và bê-tông hóa đường thôn Bạc Rây 1 của xã Phước Bình.

Với sự đầu tư mạnh cho hệ thống hạ tầng giao thông, đến nay 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã có đường ô-tô đến tận trung tâm. Đây là một tín hiệu đáng mừng, bởi thực tế cho thấy từ điểm xuất phát thấp, chưa đến 500 km đường giao thông vào thời điểm tái lập tỉnh (1992), đến nay tổng chiều dài các tuyến giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh ta đã tăng lên trên 850 km. Trong đó, đường bộ do Trung ương quản lý có 130,5 km (gồm QL 1A và QL 27) và đường bộ do địa phương quản lý 730,19 km. Nếu phân chia theo kết cấu mặt đường, hiện toàn tỉnh có 235 km đường bê-tông nhựa, 195,44 km đường láng nhựa, 114,17 km đường bê-tông xi-măng và trên 270 km đường cấp phối và đường đất. Ngoài hệ thống giao thông đường bộ, tỉnh ta còn có 63 km đường sắt chạy qua. Tuy nhiên, cân phân nhìn nhận thì kết cấu hạ tầng giao thông ở tỉnh ta có nơi còn chưa thật sự hoàn chỉnh, một số tuyến đường đã bị xuống cấp nhưng chưa kịp thời tu sửa, làm ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống của nhân dân địa phương.

Để khắc phục tình trạng trên, trong thời gian tới, ngoài việc phối hợp Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông vận tải bố trí vốn để đầu tư tu sửa các tuyến quốc lộ đi qua địa phương bị xuống cấp; đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến đường huyết mạch đang triển khai, tỉnh ta tiếp tục đầu tư xây dựng mới thêm một số tuyến giao thông chiến lược như Vĩnh Hy – Ninh Chữ, Ninh Chữ- Phan Rang... Đây là những dự án lớn, khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ mở ra một không gian hợp lý cho cả ba lĩnh vực kinh tế công nghiệp - du lịch - nông nghiệp nông thôn, tạo thành “cầu nối” trong mối quan hệ gắn kết hài hoà với Tp.Cam Ranh (Khánh Hòa) và các tỉnh lân cận như Bình Thuận, Lâm Đồng đang trong thế mạnh phát triển.

Đồng chí Trương Bình Hanh, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải:

Để hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh ngày càng hoàn chỉnh, Sở Giao thông vận tải phối hợp với các ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố xây dựng Quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 để trình UBND tỉnh. Trên cơ sở quy hoạch được duyệt, một mặt sở sẽ tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ thông qua kế hoạch hàng năm của ngành, mặt khác tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, thông qua các dự án sử dụng vốn ODA và vận động các doanh nghiệp tự bỏ vốn đầu tư xây dựng, sửa chữa công trình theo hình thức BOT, BT... Cùng với đó, ngành sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt tiêu chí xây dựng giao thông nông thôn, thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và UBND tỉnh triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn:

Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những mục tiêu hàng đầu đang được huyện Ninh Sơn hết sức quan tâm. Chỉ tính riêng trong năm 2011, ngoài việc Sở Giao thông vận tải đầu tư gần 250 tỷ đồng để xây dựng các tuyến đường chính, với chiều dài trên 50 km, thông qua nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung và nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi, huyện đã đầu tư trên 10 tỷ đồng để thực hiện bê-tông hóa 5,4 km đường liên thôn, nội đồng cho các địa phương Tân Sơn, Lâm Sơn và Quảng Sơn. Đến nay, 100% tuyến đường giao thông về đến trung tâm các xã, thị trấn trong huyện đều được cứng hóa bằng bê-tông, góp phần phục vụ tốt nhu cầu dân sinh của nhân dân. Giao thông hoàn chỉnh, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư mở rộng ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại-dịch vụ, nhờ đó đưa kinh tế - xã hội của huyện Ninh Sơn ngày một phát triển.
Đồng chí Nguyễn Mông, Chủ tịch UBND xã Phước Vinh (Ninh Phước):

Những năm qua, ngoài việc tranh thủ nguồn vốn đầu tư của các cấp để nâng cấp, mở rộng các trục đường chính, địa phương còn tích cực vận động nhân dân thực hiện tốt phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Nhờ đó, đến nay ngoài 7 km trục đường liên xã; 17 km đường liên thôn đã được láng nhựa và bê-tông hóa, xã còn có 17 km đường ngõ, xóm và 25 km đường nội đồng được cứng hóa, đảm bảo cho xe cơ giới đi lại thuận tiện. Hiện tại, xã đang vận động nhân dân tiếp tục chung sức, chung lòng thực hiện bê-tông hoá đường làng, phấn đấu đến năm 2015 hệ thống giao thông của xã phát triển hoàn chỉnh, đáp ứng tốt mục tiêu xây dựng nông thôn mới.