Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo triển khai tái cơ cấu nền kinh tế

Dự hội thảo “Triển vọng kinh tế thế giới và chính sách ứng phó của Việt Nam” ngày 18/10, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết ngay từ thời điểm này, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với thay đổi mô hình tăng trưởng.

Hội thảo do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia,Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đồng tổ chức.

Ảnh: Chinhphu.vn

Diễn ra trong 1 ngày, hội thảo gồm nhiều chủ đề chính như: Xu thế và tính bền vững của nợ công; Tái cơ cấu đầu tư trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế; Triển vọng các dòng đầu tư và những lựa chọn chính sách cho Việt Nan.

Kinh tế thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp

Các chuyên gia tại Hội thảo tuy tiếp cận ở những góc nhìn khác nhau nhưng cơ bản đều cho rằng kinh tế thế giới đang bị đe dọa do xuất hiện thêm nhiều nguy cơ bất ổn. Các nền kinh tế phát triển đang phục hồi chậm sau cuộc khủng hoảng 2008 – 2009 nay lại đang đứng trước nguy cơ rơi vào suy thoái lần 2.

Khủng hoảng nợ công ở một số nước châu Âu diễn biến phức tạp, lan rộng sang nhiều quốc gia khác và có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát. Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, trong đó có Việt Nam, hiện phải đối mặt với lạm phát cao, lại chịu ảnh hưởng tiêu cực từ khủng hoảng tại các nước phát triển - nguồn đầu tư phát triển và thị trường nhập khẩu hàng hóa chính...

Ông Deepak Mishra, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phân tích, sự bất ổn định kinh tế vĩ mô tại Việt Nam hiện nay biến động cùng chiều với các sự kiện toàn cầu gần đây.

Về nguyên nhân sâu xa của những bất ổn kinh tế tại Việt Nam, các chuyên gia nhận định, đó là những bất ổn trong cấu trúc nền kinh tế. Biểu hiện rõ ràng nhất là việc đầu tư (cả đầu tư công và đầu tư của doanh nghiệp) kém hiệu quả; nguồn vốn của các doanh nghiệp chủ yếu là vốn vay; những bất ổn trong hoạt động của ngành ngân hàng…

3 nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế

Bà Victoria Kwakwa- Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng khi những nguyên nhân căn bản của cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ và suy thoái toàn cầu cách đây 3 năm vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để, “Hơn lúc nào hết, Việt Nam cần thúc đẩy hơn nữa tái cơ cấu nền kinh tế”.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Tái cơ cấu nền kinh tế là nhiệm vụ khó khăn
nhưng phải thực hiện ngay từ bây giờ, không chậm trễ. Ảnh: chinhphu.vn

Chia sẻ quan điểm này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết Chính phủ Việt Nam đã lựa chọn mục tiêu cho năm 2012 và một vài năm tiếp theo là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đảm bảo phúc lợi xã hội.

Về tăng trưởng, mục tiêu là đảm bảo ở mức hợp lý, tiến tới ổn định được một bước cơ bản kinh tế vĩ mô, làm nền tảng để đến cuối giai đoạn 5 năm (2011 - 2015) đạt được mức tăng trưởng cao hơn.

Để ứng phó hiệu quả với những diễn biến khó lường của kinh tế thế giới, theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, ngay từ thời điểm này, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với thay đổi mô hình tăng trưởng.

Tái cơ cấu nền kinh tế tại Việt Nam sẽ gồm 3 nhiệm vụ chính: tái cơ cấu đầu tư công, giảm quy mô, tăng hiệu quả, chất lượng và mở rộng các giải pháp huy động vốn; tái cơ cấu doanh nghiệp, trong đó tập trung tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trong doanh nghiệp nhà nước tập tái cơ cấu các tập đoàn và tổng công ty; tái cơ cấu thị trường tài chính, các định chế tài chính theo định hướng là giảm số lượng tăng quy mô, tăng chất lượng, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, tài chính.

Tại hội thảo, các nhà khoa học cũng nêu kiến nghị về những nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trong đó đặc biệt chú ý nhiệm vụ nâng cao khả năng quản trị, tăng cường giám sát và đẩy mạnh cổ phần hóa, tái cơ cấu, giải thể hay chuyển đổi hình thức sở hữu đối với những doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả. Lĩnh vực tài chính, ngân hàng cũng được kiến nghị cần đẩy mạnh thực hiện các quy định đảm bảo an toàn, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi theo các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế.

Trên cơ sở những ý kiến tại Hội thảo, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Viện Khoa học xã hội Việt Nam sẽ tổng hợp để báo cáo Chính phủ, giúp Chính phủ, các bộ, ngành xây dựng chính sách ứng phó kịp thời trước những biến động của kinh tế thế giới, đồng thời xây dựng kịch bản phát triển phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Nguồn www.chinhphu.vn