(NTO) Anh Nguyễn Văn Huyền ở thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn) là nông dân chăn nuôi heo giỏi. Không có bí quyết gì, đơn giản chọn giống tốt, chích ngừa phòng bệnh đúng định kỳ, ăn đúng định lượng là đều đặn mỗi năm anh xuất chuồng 3 lứa heo. Thời giá heo mới tăng lên 40 ngàn đồng/kg, vợ chồng anh mừng quýnh: “Nuôi heo mà mỗi lứa thu lãi hàng chục triệu đồng, dại gì không cơi nới chuồng, tăng đàn”.
Ảnh: Văn Miên.
Khi giá heo hơi tăng lên 60 ngàn đồng/kg, tôi nghĩ chắc ông bạn làm ăn đang tấn tới nên ghé thăm chúc mừng. Ai dè vừa gặp, bạn kéo ra vườn chỉ tay vào dãy chuồng heo trống trơn, buồn thiu nói: “Heo thịt “đẩy” hết rồi, chỉ giữ lại 4 con nái”. Tưởng giá heo tăng mạnh nông dân mừng, nhưng khi hỏi, nhiều người nói không dám nuôi nhiều vì đầu vào cao quá. “Nuôi lứa heo chăm bẵm 4 tháng ròng, chỉ cần vài con bỏ ăn là hộ nuôi đứng ngồi không yên. Thế mà đến lúc bán, thương lái ép lên ép xuống. Miếng thịt heo ra đến chợ lúc giá gần 100 ngàn đồng/kg, nhưng lợi nhuận khâu trung gian hưởng nhiều, còn những người mồ hôi công sức làm ra không được bao nhiêu” - Anh Huyền, rầu rỉ.
Không riêng gì hộ chăn nuôi, những hộ trồng trọt cũng chịu thiệt thòi. Ra chợ một bó rau muống vài chục cọng, giá 2 ngàn đồng, thế nhưng ở quê chừng ấy tiền mua được cả bì! Anh Trần Văn Thi ở thôn Trà Giang 1, Lương Sơn (Ninh Sơn) nhà có một sào đất, trồng cây gì cũng không nhanh ăn bằng trồng rau xanh. Chỉ từng ấy đất nhưng mùa nào rau nấy, ngày nào cũng đều có rau bán. Tiền thu từ rau không nhiều, nhưng khéo tính toán cũng đắp đổi qua ngày. Thế mà gần đây, cứ đến lứa rau thu hoạch kêu miết thương lái mới đến mua. Bán bì rau muống có mấy ngàn bạc. Rẻ vậy nhưng người mua vẫn than vãn do giá xăng dầu tăng, chi phí vận chuyển cao, lãi ít. Nhiều khi bực quá, anh để mặc thương lái xuống ruộng rau cắt, xong trả bao nhiêu tiền cũng được. Anh Thi, thở dài: “Tui xuống Phan Rang vào siêu thị, các chợ, thấy người ta ăn một bữa rau sống mất không dưới 10 ngàn đồng. Nghĩ mà thương cho người ở quê, một nắng, hai sương làm ra bó rau nhưng khi bán chỉ gom được từng đồng tiền lẻ”.
Theo thời giá sản phẩm nông dân làm ra cũng bán được giá cao, nhưng thực tế bà con vẫn không vui vì giá nguyên liệu đầu vào như giống, phân bón, thức ăn… đều tăng cao. Tăng mạnh nhất là phân ure, vượt mức 12 ngàn đồng/kg, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Đó là chưa kể đầu ra của sản phẩm nông nghiệp không ổn định. Anh Đàng Văn Phùng, nông dân trồng táo ở thôn Phước Đồng 2, xã Phước Hậu (Ninh Phước) cho biết: “Tui bán 1 kg táo tại vườn có 5 ngàn đồng, nhưng ra đến chợ lên đến 10, 15 ngàn đồng/kg”. Trong khi đó, chủ trương bình ổn giá hiện nay của Chính phủ chưa đến tay nông dân. Anh Võ Văn Bảy, thôn Thái An, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải), phàn nàn: “Bình ổn giá chủ yếu ở thành thị, lâu lâu một số mặt hàng tiêu dùng mới về đến nông thôn. Các mặt hàng bà con cần hỗ trợ giá như giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi… phục vụ sản xuất lại không thuộc diện bình ổn”.
Tuấn Anh