(NTO) Đồng chí Phạm Đồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Thuận lợi mà tỉnh dành cho các DN khi đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh thời gian qua đó là thực hiện tốt khâu cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký kinh doanh. Nếu trước đây việc cấp mã số thuế, khắc dấu và đăng ký kinh doanh theo quy định phải mất 5 ngày thì nay thông qua Văn phòng phát triển kinh tế (EDO) đã rút ngắn xuống còn 3 ngày. Cùng với đó, tỉnh còn chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường phối hợp giải quyết các vướng mắc cho DN, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, giao đất sạch cho các nhà đầu tư. Từ những nỗ lực trên, kết quả cho thấy chỉ tính riêng trong những tháng đầu năm 2011, toàn tỉnh đã có 135 lượt đoàn nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, trong đó có 76 dự án đăng ký đầu tư, 35 dự án đã được cấp giấy phép chứng nhận đầu tư và chấp thuận chủ trương địa điểm, với tổng vốn đăng ký trên 10.900 tỷ đồng. Việc hỗ trợ phát triển DN cũng luôn được tỉnh ta triển khai khá tốt, từ đầu năm đến nay đã có thêm 188 DN đăng ký thành lập mới, với vốn đăng ký trên 950 tỷ đồng.
Công ty Điện tử- Tin học Từ Sơn là một trong những doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả
tạo được thương hiệu mạnh trên địa bàn tỉnh. Công ty tạo việc làm ổn định cho 90- 100 lao động
với mức lương bình quân 2,5 triệu đồng/tháng. Đơn vị nộp ngân sách địa phương
trên 550 triệu đồng/năm. Ảnh: Sơn Ngọc
Qua tìm hiểu thực tế tại một số DN cho thấy, dù chính sách của tỉnh đã được khai thông từ vài năm nay, nhưng vẫn còn rất nhiều DN chưa tìm được chỗ đứng trên thương trường bằng thương hiệu của mình. Theo lãnh đạo các DN cho biết, nguyên nhân của vấn đề này, thứ nhất là do nguồn vốn đầu tư của các DN còn ít, chủ yếu là nguồn vốn vay ngân hàng nên hàng tháng, năm phải chịu mức lãi suất không nhỏ, dẫn đến phần chi phí khấu hao khá lớn, làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của DN; thứ đến là vì phần lớn hoạt động, sản xuất-kinh doanh của nhiều DN chủ yếu là những mặt hàng phục vụ nhu cầu ở địa phương là chính. Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn kỹ thuật của đội ngũ lao động chưa cao, chủ yếu lao động phổ thông nên chưa khai thác triệt để công năng của hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại, dẫn đến việc tạo ra sản phẩm chất lượng còn hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu. Một số DN thì dù đã xuất được sản phẩm của mình ra ngoài tỉnh, ngoài nước, nhưng thường thông qua các DN lớn khác ở TP.Hồ Chí Minh bảo lãnh, hoặc xuất khẩu dưới hình thức ủy thác, nhận gia công sản phẩm cho các công ty “mẹ” đang làm ăn với các đối tác lớn để thu lợi nhuận, còn số DN thực sự kinh doanh bằng chính sản phẩm do mình sản xuất thì còn rất khiêm tốn.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hoan, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Nếu xét về mặt quy mô thì DN tỉnh nhà còn kém xa so với các tỉnh, thành phố trong cả nước, bởi đa số DN chưa xây dựng được thương hiệu riêng cho mình, nên rất khó giới thiệu với các công ty, tập đoàn kinh tế khác. Điều này có nghĩa là khi sản phẩm làm ra muốn bán được phải đi đường vòng, tức là thông qua xuất ủy thác của các công ty lớn, nên lợi nhuận không cao và bị o ép nhiều bề.
Chính những hạn chế trên đã dẫn đến một thực tế là vai trò của DN trong việc đóng góp nguồn thu, thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định dân sinh từ phía các DN cho địa phương còn rất ít. Từ đầu năm đến nay các DN đóng góp vào ngân sách tỉnh 247 tỷ đồng, chiếm 41% tổng thu nội địa. Tuy nhiên, cân phân nhìn nhận thì ngoài những DN hoạt động sản xuất-kinh doanh chỉ dừng lại ở mức thấp nói trên, hiện tỉnh ta vẫn có một số DN rất năng động trong việc xây dựng thương hiệu, chủ động mở rộng, đa dạng hóa các ngành nghề kinh doanh, nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người lao động, đơn cử như Công ty Cổ phần Xây dựng Ninh Thuận, Công ty TNHH DV-TM&SX Nam Thành, Công ty TNHH May Tiến Thuận... Ông Trần Đình Minh, Giám đốc Công ty TNHH DV-TM&SX Nam Thành cho biết: “Để đẩy mạnh sản xuất-kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu của mình, những năm qua, ngoài việc áp dụng có hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000, đơn vị không ngừng nghiên cứu, đầu tư nâng cấp hệ thống dây chuyền sản xuất và tìm kiếm thị trường. Nhờ đó, quy mô sản xuất của đơn vị không ngừng được mở rộng, sản lượng ngày một tăng”.
Trong bối cảnh hiện nay, mạnh dạn nhìn nhận những hạn chế để phát triển là việc rất cần làm đối với các DN. Bài học rút ra trong quá trình sản xuất-kinh doanh thời hội nhập cho thấy, chỉ khi nào các DN khẳng định được chữ “tín” và thương hiệu của mình trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thì khi đó sản phẩm làm ra của DN mới đủ sức cạnh tranh và đứng vững trên thị trường. Để vượt qua khó khăn hiện nay, thiết nghĩ trong thời gian tới, ngoài việc mở rộng đầu tư phát triển sản xuất, các DN cũng cần xác định rõ muốn đủ sức cạnh tranh trong thị trường hội nhập thì phải xây dựng được thương hiệu. Bên cạnh đó, các DN cần có sự liên minh, liên kết để cùng hỗ trợ nhau, có như vậy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN mới đạt hiệu quả.
Văn Thanh