Theo kinh nghiệm dân gian, các bộ phận của chôm chôm đều có tác dụng trị bệnh. Vỏ chôm chôm chứa nhiều tanin, chữa ỉa chảy, kiết lỵ, sốt... với liều 20 – 30g. Ví như, để hạ sốt có thể lấy 15g vỏ chôm chôm, rửa sạch, sắc uống vài lần trong ngày; để chữa lỵ dùng mười trái chôm chôm, thái vụn, sắc uống hai lần trong ngày.
Hạt chôm chôm, còn gọi là thiều tử, vị ngọt, tính ấm, chứa nhiều chất béo không no như olein, arachidin (36,26%)..., có tác dụng tiêu viêm kháng khuẩn, dùng chữa viêm niêm mạc miệng, kiết lỵ, hỗ trợ điều trị tiểu đường, các vết loét lâu ngày, điều chỉnh lipid máu, giảm béo và làm đẹp da. Ví như, để ổn định tình trạng tiểu đường, có thể dùng năm hạt chôm chôm rang chín, giã nhuyễn thành bột, chế thêm nước sôi uống một đến hai lần trong ngày; để giảm béo có thể ăn sống hạt chôm chôm hoặc rang rồi trộn với các loại thực phẩm khác. Chôm chôm là loại trái rất thích hợp cho những người bị vữa xơ động mạch, cao huyết áp, tăng đường huyết... Tuy nhiên, vì chứa nhiều chất béo nên nếu ăn quá nhiều hạt chôm chôm có thể xuất hiện cảm giác say say và gây buồn nôn, đầy bụng.
Theo SGTT