Làm việc với tỉnh Quảng Ngãi sáng nay, ông Viên Quang Mai, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang cho biết vừa có kết luận xét nghiệm 5 mẫu bệnh phẩm dương tính với Enterovirus và Enterovirus 71 ở "người lành" là thân nhân của trẻ mắc bệnh tay chân miệng. Trong đó, tỉnh Ninh Thuận có 3 trường hợp dương tính với Enterovirus 71, Quảng Ngãi 2 người dương tính với Enterovirus.
Ông Viên Quang Mai, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang đang thu thập thông tin
của trẻ mắc bệnh tay chân miệng diễn biến nặng tại Khoa Nhi,
Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi sáng nay.Ảnh: Trí Tín
Các chuyên gia y tế lo lắng, khó khăn nhất hiện nay là người lớn mặc dù dương tính với Enterovirus và Enterovirus 71 nhưng không biểu hiện gì ra bên ngoài. Do vậy, họ có thể mang mầm bệnh đi xa, lây lan bệnh trong cộng đồng khó kiểm soát.
Ông Mai nhận định, tình hình dịch bệnh tay chân miệng ở khu vực miền Trung diễn biến bất thường. Số mẫu xét nghiệm dương tính với Entervirus 71 nguy hiểm miền Trung trội hơn nhiều so với những năm trước nên tỷ lệ tử vong cũng cao hơn.
Các tỉnh miền Trung đã ghi nhận gần 8.920 ca mắc bệnh tay chân miệng, trong đó 9 bé tử vong. Viện Pasteur Nha Trang đã tiếp nhận hơn 600 mẫu bệnh phẩm nhưng chỉ mới xét nghiệm được 50% do ưu tiên một số địa phương mới phát hiện bệnh, bệnh diễn biến nặng và thiếu nguồn nhân lực.
Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi quá tải với nhiều trẻ
mắc bệnh tay chân miệng nhập viện. Ảnh: Trí Tín
Theo thống kê của Sở Y tế Quảng Ngãi, đến cuối tháng 9 toàn tỉnh có gần 5.800 bệnh nhân tay chân miệng, 5 ca tử vong, cao nhất miền Trung. Bệnh đã lây lan trên diện rộng 14/14 huyện với 166/184 xã, phường, thị trấn. Trẻ nhỏ nhất mắc bệnh là 3 tháng tuổi, lớn nhất 36 tuổi.
Hiện nay bệnh tay chân miệng ở Quảng Ngãi có chiều hướng tăng trở lại, tình hình bệnh diễn biến còn phức tạp do mầm bệnh lây nhiễm trong cộng đồng trên diện rộng. Cùng lúc, nhiều chủng virus gây bệnh: Enterovirus 71, Coxsackievirus A16, Enterovirus khiến việc dập dịch tay chân miệng gặp nhiều khó khăn. Theo ghi nhận của dịch tễ học, bệnh tay chân miệng thường xuất hiện từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm.
Trước tình hình này, UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa quyết định bổ sung thêm 3,2 tỷ nâng tổng số tiền lên 12,5 tỷ đồng đầu tư mua trang thiết bị y tế, thuốc men... để tăng cường phòng chống dịch bệnh tay chân miệng. Ngành y tế Quảng Ngãi cũng lập đoàn kiểm tra, giám sát chặt vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, phun hóa chất khử trùng tại các trường mẫu giáo, mầm non, khu dân cư, khử khuẩn tại các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung...
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga (trái), Cục trưởng Cục y tế dự phòng
và quản lý môi trường (Bộ Y tế) thăm trẻ mắc bệnh tay chân miệng ở khoa Nhi,
Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi . Ảnh: Trí Tín
Kiểm tra công tác phòng chống bệnh tay chân miệng ở Quảng Ngãi, Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục y tế dự phòng và quản lý môi trường (Bộ Y tế) nhận định: "Sở dĩ bệnh tay chân miệng ở Quảng Ngãi tăng đột biến có thể do khu vực biến đổi khí hậu tạo điều kiện thuận lợi cho các chủng virus phát triển gây bệnh. Khó nhất trong công tác phòng chống dịch là chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có văcxin, lan truyền qua đường vệ sinh cá nhân".
Để chặn đứng được dịch bệnh chân tay miệng, theo ông Nga, vai trò cá nhân trong chuyện gìn giữ, xử lý môi trường là hết sức quan trọng. Bản thân người dân, cha mẹ trong gia đình, giáo viên trường mầm non, mẫu giáo chăm sóc trẻ cần thường xuyên rửa tay, ý thức vệ sinh bằng xà phòng, xử lý tốt phân của trẻ mắc bệnh... thì mới mong dịch bệnh không lây lan ra cộng đồng.
Thống kê của Bộ Y tế, từ năm đầu đến nay, cả nước ghi nhận hơn 57.000 ca mắc tay chân miệng tại 61 địa phương, trong đó 111 ca tử vong chủ yếu xảy ra ở trẻ nam (hơn 70%), dưới 3 tuổi (chiếm gần 80%). Bệnh cũng đang lây lan ở Hà Nội lấy đi sinh mạng một em bé khiến nhiều phụ huynh hoang mang lo lắng, đổ xô đưa con đi khám.
Nguồn VnExpress.net