Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, người đứng đầu UNDP, bà Hêlen Clác (Helen Clark), đã đánh giá cao những thành công của Việt Nam trong thực hiện MDGs cũng như sự tham gia hiệu quả và thành công của Việt Nam vào sáng kiến “Một LHQ” tại Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, Đại sứ Bùi Thế Giang, đã khẳng định trong quá trình thực hiện MDGs kể từ khi được LHQ thông qua năm 2000, nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao và thực hiện thành công các chính sách kinh tế xã hội, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng chú ý. LHQ và cộng đồng quốc tế đã thừa nhận Việt Nam là một trong nhiều nước châu Á-Thái Bình Dương thực hiện thành công MDGs. Cho đến nay, Việt Nam có thể tuyên bố đã thực hiện thành công 5 trong 8 MDGs trước thời hạn và đang thúc đẩy nhanh thực hiện các mục tiêu còn lại đúng hạn vào năm 2015.
Đại sứ Bùi Thế Giang lưu ý rằng trong quá trình thực hiện MDGs, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức. Một là đảm bảo thực hiện tất cả MDGs trong cả nước và thông qua đó đem lại phúc lợi cho mọi tầng lớp nhân dân. Hai là phải vượt qua những khó khăn nảy sinh do hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu. Ba là phải chuẩn bị tốt nhất để đối phó với những hậu quả có thể xảy ra do biến đổi khí hậu. Bốn là khi hội nhập với quốc tế, Việt Nam đang phải đối mặt với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, đặc biệt đối với các hàng xuất khẩu chủ lực.
Đại sứ nhấn mạnh để vượt qua các thách thức này, Việt Nam cần phải nỗ lực mạnh mẽ nhằm đảm bảo MDGs hoà nhập tốt hơn vào các kế hoạch, chiến lược và chính sách phát triển kinh tế xã hội trong mọi lĩnh vực và đạt được hiệu quả trong cả nước. Trong bối cảnh này, Việt Nam mong tiếp tục được sự ủng hộ và giúp đỡ của LHQ, các tổ chức quốc tế và cộng đồng tài trợ để thực hiện thành công MDGs ở Việt Nam. Ông cũng khẳng định trong bối cảnh việc thực hiện MGDs gặp khó khăn ở nhiều khu vực trên thế giới, Việt Nam hoàn toàn ủng hộ việc LHQ tiếp tục coi thực hiện các mục tiêu trên là một trong những ưu tiên cao nhất của LHQ.