Quyết tâm này sẽ được ông Obama cụ thể hóa trong một dự luật sẽ được trình quốc hội vào ngày 19-9 (theo giờ của Mỹ) như một phần trong kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách dài lâu cho nước Mỹ.
Người dân Mỹ cầm biểu ngữ “Hãy đánh thuế người giàu” đứng bên ngoài tòa nhà ở Florida,
nơi đang diễn ra cuộc tranh luận về ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa do CNN tài trợ
- Ảnh: AFP
Luật thuế Buffett
Luật thuế này được đặt theo tên của tỉ phú Warren Buffett, người từng kêu gọi Chính phủ Mỹ phải vá lại những lỗ hổng trong luật thuế liên bang bằng cách đánh thuế vào giới giàu nhất nước Mỹ. Đầu năm 2011, ông Warren Buffett từng lên tiếng báo động những người giàu như ông lại đóng thuế ít hơn những người làm công cho ông.
Đài truyền hình ABC dẫn lời ông Buffett cho biết do những lỗ hổng trong chính sách thuế, Chính phủ Mỹ đã để sổng những người giàu nhất, bởi thu nhập của những triệu phú và tỉ phú có được chủ yếu là từ các phi vụ đầu tư, song thuế đánh trên thu nhập từ các khoản này chỉ ở mức 15% so với tổng thu nhập.
Trong khi đó, những người Mỹ bình thường khác lại phải gánh chịu mức thuế cao nhất lên đến 35% trên tổng thu nhập. “Cá nhân tôi chỉ đóng 17,4% khoản thu nhập chịu thuế của mình, đây là tỉ lệ phần trăm thấp nhất trong số 20 người đang làm việc trong văn phòng của tôi”- ông Buffett so sánh.
Trong khi Hạ viện Mỹ, nơi mà phe Cộng hòa chiếm đa số, đang muốn tiếp tục duy trì đặc quyền đặc lợi này của giới nhà giàu bằng cách phản đối tới cùng những dự luật tăng thuế của Tổng thống Obama thì tỉ phủ Warren Buffett vẫn giữ quan điểm kêu gọi Chính phủ Mỹ hãy đánh thuế nặng thêm đối với giới nhà giàu. “Những người ở tầng lớp giàu nhất, như tôi chẳng hạn, nên đóng thuế nhiều hơn” - ông Buffett trả lời trên ABC. Ông cho rằng đã đến lúc kết thúc thời đại ưu đãi nhà giàu này vốn tồn tại từ thời cựu tổng thống George W. Bush, bởi “nếu tiếp tục giữ mức thuế như hiện nay thì kinh tế Mỹ sẽ càng sa lầy”.
Báo Le Monde cho biết ngày 12-9 Nhà Trắng lần đầu tiên đề cập việc tăng thuế từ năm 2013 để tài trợ cho kế hoạch hỗ trợ nền kinh tế và việc làm do Tổng thống Obama đưa ra. Giám đốc ngân sách của Nhà Trắng cũng đã đặc biệt đề cập những địa chỉ cần tăng thuế là các công ty dầu khí, các chủ hãng máy bay thương mại, nhất là những hộ gia đình Mỹ có thu nhập hằng năm trên 250.000 USD. Theo Nhà Trắng, biện pháp này cho phép thu thêm được 467 tỉ USD.
“Trái bóng” mới cho quốc hội
Theo Reuters, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng chậm trong khi tỉ lệ thất nghiệp vẫn đang ở mức trên 9%. Trước thềm bầu cử năm 2012, ông Obama lại đang đối mặt với một “cuộc chiến” trong quốc hội, nhất là từ phía không ít những người Cộng hòa cứ luôn phủ nhận trên nguyên tắc những đề nghị của ông để “đá trái bóng” lại phía ông và đẩy ông vào thế khó khăn.
Trong lúc này theo AFP, quốc hội đã thành lập một “siêu ủy ban” bao gồm sáu nghị sĩ Cộng hòa và sáu nghị sĩ Dân chủ để tìm ra các biện pháp giảm thâm hụt ngân sách vào cuối tháng 11-2011 khi mà các khoản cắt giảm tự động có hiệu lực. “Siêu ủy ban” này có trách nhiệm từ nay đến cuối năm 2011 tìm ra biện pháp tiết kiệm được 1.200 tỉ USD để bù vào khoản thâm hụt ngân sách.
“Thuế Buffett” là một trong những biện pháp mà ông Obama gửi cho “siêu ủy ban” với kỳ vọng sẽ thu được 3.000 tỉ USD để bù đắp cho thâm hụt ngân sách trong 10 năm tới. Giám đốc truyền thông của Nhà Trắng, ông Dan Pfeiffer, cho biết luật thuế này là một loại thuế AMT (thuế tối thiểu thay thế), nhằm đảm bảo giới nhà giàu Mỹ phải đóng thuế ít nhất ngang với tầng lớp trung lưu Mỹ.
“Chúng ta đang chơi với lửa, nếu chúng ta không đồng ý các ý tưởng nhằm cắt giảm thâm hụt ở mức thấp nhất” - chuyên gia của Brooking Washington, ông William Galston, nói về “thuế Buffet”.
Cơ quan thuế (IRS) của Mỹ cho biết đã phát hiện hàng ngàn người Mỹ gửi tiền ở các ngân hàng nước ngoài để trốn thuế và tính đến tháng 9-2011, IRS đã thu được 2,7 tỉ USD tiền trốn thuế.
“Chúng tôi đã phá vỡ được thành lũy luật lệ liên quan đến vấn đề giữ bí mật của các ngân hàng nước ngoài và đã tạo cú sốc lớn trong việc ngăn chặn người Mỹ trốn thuế. IRS đã đưa được lượng tiền lớn từ việc trốn thuế về cho Bộ Tài chính Mỹ và đưa người Mỹ trở về quỹ đạo thuế của nước Mỹ” - ủy viên của IRS, ông Doug Shulman, nói.
IRS và Bộ Tư pháp Mỹ cũng đang tăng cường điều tra về các trường hợp người Mỹ trốn thuế ở nước ngoài. Ông Doug Shulman cho biết đã có 30.000 người Mỹ đăng ký tài khoản ở 140 quốc gia trên thế giới tự giác khai báo trước khi bị phát giác.
Trước đó ngày 11-9, Bộ trưởng tài chính Thụy Sĩ Eveline Widmer-Schlumpf cho biết Thụy Sĩ đã đồng ý chuyển giao thông tin thống kê về số khách hàng Mỹ sử dụng dịch vụ tín dụng ngân hàng của Thụy Sĩ cho Washington, song vẫn giữ bí mật thông tin cá nhân của khách hàng.
Nguồn Tuổi trẻ