Thuận Nam tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế

Với những lợi thế hiện có, huyện Thuận Nam đang tập trung huy động nhiều nguồn lực xây dựng, hoàn thành các dự án, công trình trọng điểm để đưa vào khai thác, tạo động lực thu hút đầu tư, đưa vùng đất phía Nam của tỉnh phát triển thành trung tâm kinh tế công nghiệp trọng điểm trong tương lai.

Hiệu quả bước đầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế

(NTO) Sự phát triển của Thuận Nam trong thời gian qua, đã từng bước đưa huyện thoát khỏi nền kinh tế thuần nông và dần chuyển dịch cơ cấu sang hướng công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), thương mại-dịch vụ và du lịch theo như mục tiêu đề ra. Trong 9 tháng đầu năm nay, nền kinh tế Thuận Nam phát triển ổn định và đạt tốc độ tăng tưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được tăng cường; nhiều chỉ tiêu quan trọng hoàn thành và hoàn thành vượt mức; năng lực sản xuất, quy mô nền kinh tế được nâng lên. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng CN-TTCN, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Theo đó, tổng giá trị sản xuất đạt 952,3 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá trị nông-lâm-thủy sản đạt 496,8 tỷ đồng; giá trị sản xuất CN-TTCN ước đạt 205,5 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hoá gần 250 tỷ đồng. Sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản ước đạt 30.975 tấn, bằng 80,5% kế hoạch năm; Tổng thu ngân sách lũy kế đến tháng 9 đạt 11,5 tỷ đồng, bằng 74,4% dự toán giao cả năm. Giải quyết việc làm mới cho 1.450 lao động, vượt 3,6% so với kế hoạch.

Đến năm 2015, tỷ trọng ngành CN-TTCN, xây dựng đạt 44% GDP .
Trong ảnh: Thu hoạch muối công nghiệp tại đồng muối Quán Thẻ. Ảnh: Văn Miên

Đồng chí Võ Văn Tiến, Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam cho biết: “Tỷ lệ tăng trưởng các ngành CN-TTCN, thương mại dịch vụ là khá ấn tượng, có thể xem là cao nhất từ trước đến nay (tổng giá trị ước đạt 455,5 tỉ đồng). Xét về giá trị sản xuất, tăng trưởng ngành CN-TTCN, thương mại, dịch vụ du lịch gần tương đương với ngành nông nghiệp, đánh dấu một bước phát triển và đang bứt phá ra khỏi một huyện kinh tế thuần nông. Tình hình sản xuất kinh doanh ở khu vực cá thể vẫn phát triển theo chiều hướng tích cực, sản lượng tăng mạnh ở các ngành chế biến lương thực, thực phẩm, muối hạt… Toàn huyện hiện có 466 cơ sở CN-TTCN với quy mô lớn đã tạo ra nhiều khối lượng hàng hóa đóng góp vào tổng giá trị sản xuất toàn huyện”.

Đi đôi với phát triển CN-TTCN, thương mại, dịch vụ, du lịch, huyện Thuận Nam còn huy động mọi nguồn lực các thành phần kinh tế, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật kinh tế-xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển của huyện. Huyện Thuận Nam đã đặc biệt quan tâm và thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm an sinh xã hội . Đó là kết hợp hài hòa phát triển kinh tế với văn hóa -xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển khoa học công nghệ; giải quyết tốt các vấn đề việc làm, thu nhập cho người lao động. Với sự tăng trưởng của nền kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao. Hiện nay, tỷ lệ hộ sử dụng điện sinh hoạt đạt 100%, hộ dùng nước hợp vệ sinh trên 65%; cơ bản xóa xong nhà tạm cho hộ nghèo và tỷ lệ hộ nghèo còn 13,79% (chuẩn mới); lĩnh vực giáo dục, y tế được tăng cường cả về cơ sở vật chất và chất lượng hoạt động.

Tuy nhiên, cũng theo đồng chí Võ Văn Tiến: “Hiện nay, huyện cũng đang gặp rất nhiều khó khăn do công tác quy hoạch chưa được hoàn thiện, thiếu đồng bộ, thiếu tính thống nhất giữa quy hoạch tổng thể và quy hoạch ngành, tiêu chí về kết cấu hạ tầng kinh tế-kỹ thuật còn thấp. Nhiều tiềm năng thế mạnh chưa đủ sức đầu tư khai thác như: Khai thác khoáng sản, du lịch, dịch vụ công nghệ cao; nguồn lao động qua đào tạo còn thiếu, công tác quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế... đây là những rào cản trong phát triển của huyện Thuận Nam”.

Những hoạch định cho tương lai

Trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh ta vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thuận Nam là một huyện kinh tế trọng điểm, ưu tiên đầu tư phát triển các lĩnh vực CN-TTCN, thương mại, dịch vụ, du lịch. Trong đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra đến năm 2015, tỷ trọng của ngành CN-TTCN, xây dựng lên 44%; thương mại dịch vụ 29% và nông lâm–thủy sản giảm xuống 27%. Đảng bộ huyện Thuận Nam cũng đã xác định, 5 năm tới (2011- 2015), sẽ là thời kỳ phát triển mới, dù có rất nhiều khó khăn thách thức, đòi hỏi phải có sự nỗ lực vượt bậc nhằm đẩy mạnh phát triển CN-TTCN, thương mại, dịch vụ, du lịch với chất lượng, hiệu quả cao, chiếm tỷ trọng đáng kể trong nền kinh tế của tỉnh.

Trước mắt, huyện tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2011 theo Nghị quyết HĐND huyện. Tích cực thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, mở rộng mạng lưới giao thông, đào tạo nguồn nhân lực. Với phương châm đã được tỉnh chấp thuận “đổi đất lấy công trình”, huyện sẽ tổ chức thí điểm tại xã Phước Dinh. Mở rộng và nâng cấp các tuyến đường: Quốc lộ 1A-Vụ Bổn-Phước Hà; Quán Thẻ 1-Hồ Suối Lớn-Chiến khu Anh Dũng cũ; nâng cấp tuyến đường Văn Lâm-Sơn Hải; đầu tư mới tuyến đường Trung tâm huyện-Núi Một-đường ven biển;… Từ mạng lưới giao thông này, huyện sẽ có điều kiện bố trí sắp xếp lại các khu dân cư, mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp, tạo giao thương thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội. Đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương dẫn nước từ các hồ chứa Sông Biêu, Tân Giang,.. về phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho các xã Phước Minh, Phước Ninh, khu trung tâm hành chính huyện… Thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm trên địa bàn huyện, cũng như của tỉnh như: Trung tâm hành chính huyện, dự án tuyến đường ven biển, khu tái định cư nhà máy Điện hạt nhân… Cùng với các nhiệm vụ trọng tâm, huyện tập trung đầu tư phát triển lĩnh vực văn hóa, xã hội nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tăng cường công tác quốc phòng - an ninh, đảm bảo giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường củng cố và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.

Về lâu dài, phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh để thu hút đầu tư, lấp đầy và phát huy hiệu quả Khu công nghiệp Phước Nam, Dốc Hầm - Cà Ná, Cụm công nghiệp Hiếu Thiện và làng nghề của huyện. Đầu tư xây dựng các dự án quan trọng về phát triển khu dân cư, nhất là kết cấu hạ tầng song song giữa tuyến quốc lộ 1A và tuyến đường ven biển. Thực hiện mạnh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển công nghiệp. Có kế hoạch đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là lực lượng lao động ở nông thôn. Trong đó, ưu tiên đào tạo nghề cho lao động ở những nơi có đất thu hồi thực hiện các dự án, phấn đấu có 80% lao động sau đào tạo có việc làm ổn định. Tăng cường phối kết hợp với các trường nghề trong tỉnh để đào tạo các ngành nghề phù hợp với nhu cầu thực tế địa phương, doanh nghiệp.

Đồng chí Nguyễn Văn Thành, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thuận Nam

Chương trình hành động của Huyện ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đã được quán triệt và triển khai sâu rộng thực hiện đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cùng với tập trung phát triển KT-XH, Thuận Nam chú trọng tiếp tục đẩy mạnh việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; thực hiện tốt các chính sách về an sinh xã hội. Qua đó, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, góp phần xây dựng tổ chức Đảng từ huyện đến cơ sở trong sạch, vững mạnh, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân nhằm huy động mọi nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế, phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2011 và giai đoạn 2011-2015 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đã đề ra.
Đồng chí Quách Chí Thân, Bí thư Đảng ủy xã Phước Minh

Đảng bộ xã Phước Minh xác định chăn nuôi vẫn là ngành sản xuất chính, bên cạnh đó mở rộng phát triển kinh doanh các loại hình dịch vụ, kinh tế hộ, kinh tế cá thể để phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm tăng thu nhập cho lao động địa phương. Phấn đấu hàng năm tổng giá trị sản xuất tăng 8%, trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 1,5%, thương mại tăng 15%, thu nhập bình quân đầu người trên 10 triệu đồng/năm. Thời gian tới, xã sẽ triển khai nâng cấp 11 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài 5.000m, hệ thống cấp nước sinh hoạt, xây dựng nhà cộng đồng, chợ thôn Quán Thẻ 1 và Lạc Tiến…, tổng đầu tư kinh phí gần 23 tỷ đồng.
Đồng chí Trương Ngọc Luân, Bí thư Đảng ủy xã Cà Ná

Qua gần một năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2011 – 2015, kinh tế -xã hội của xã Cà Ná đã có nhiều chuyển biến đáng kể. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm, tổng sản lượng khai thác hải sản ước đạt 17.400/15.600 tấn, đạt 111% kế hoạch năm; diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng 15ha, sản lượng ước đạt 300 tấn, đạt 100% kế hoạch năm.; sản xuất tôm giống ước sản xuất được 1 tỷ con tôm post. Các cơ sở hậu cần nghề cá phát triển góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Với những lợi thế về kinh tế biển, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục huy động các nguồn lực, khai thác tốt mọi tiềm năng để đưa kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển bền vững hơn; phấn đấu đến năm 2015 xây dựng Cà Ná trở thành đô thị loại 5.
Đồng chí Nguyễn Văn Thái, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phước Nam

Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ xã Phước Nam xác định: Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, tạo sự chuyển biến nhanh về cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ nhằm thúc đẩy tốc độ tăng trưởng đến năm 2015 tăng 15,1%. Phối hợp các ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến đầu tư phát triển sản xuất trên địa bàn; mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ kinh doanh phát triển theo hướng nhiều ngành nghề. Hiện nay, xã xác định nông nghiệp là ngành sản xuất chính, chăn nuôi là ngành mũi nhọn và chuyển dần sang công nghiệp khi hội đủ điều kiện tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nông nghiệp chăn nuôi và dịch vụ thương mại.