Bác Ái

Huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển

Huyện miền núi Bác Ái là địa phương có gần 100% đồng bào dân tộc Raglai sinh sống.

(NTO) Để đưa kinh tế địa phương ngày một phát triển, những năm qua, cùng với việc củng cố, xây dựng tổ chức đảng vững mạnh, cấp uỷ, chính quyền huyện Bác Ái còn tranh thủ có hiệu quả các chương trình, dự án và lãnh đạo nhân dân phát huy hiệu quả lợi thế của địa phương, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhờ đó đời sống của người dân đã có nhiều chuyển biến đáng kể.

Trung tâm huyện lỵ Bác Ái. Ảnh: Văn Thanh

Khởi sắc của Bác Ái được bắt đầu từ năm 1998, khi Chính phủ có Quyết định 135 phê duyệt dự án đầu tư kết cấu hạ tầng cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Qua hơn 10 năm hưởng lợi chương trình, huyện Bác Ái đã được đầu tư xây dựng hàng trăm công trình về giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, điện, nước sinh hoạt... Năm 2009, huyện Bác Ái được đưa vào trong 62 huyện nghèo nhất cả nước để đầu tư toàn diện trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội theo chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững mà Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ đã đề ra (Chương trình 30a).

Theo thống kê của huyện Bác Ái, chỉ tính riêng từ năm 2009 đến nay, thông qua Chương trình 30a toàn huyện đã đầu tư xây dựng được 900 căn nhà theo Chương trình 167 cho dân; mua 21.472 thẻ BHYT cho người nghèo; thực hiện giao rừng khoán quản cho 30 cộng đồng thôn, với hơn 22.000 ha; hỗ trợ khai hoang, phục hóa, cải tạo đất sản xuất nông nghiệp theo kiểu ruộng bậc thang cho nhân dân trên 1.370 ha; tổ chức đào tạo nghề cho 2.097 lao động nông thôn, đưa 57 lao động đi xuất khẩu nước ngoài; tiếp nhận 43 trí thức trẻ về tham gia công tác tại địa bàn 9 xã; đầu tư xây dựng 50 công trình phục vụ dân sinh như: Trạm y tế, nước sinh hoạt, đường giao thông... Nhờ đó, đến nay 9/9 xã trong huyện đã có trường tiểu học, trường mẫu giáo tại trung tâm xã và thôn; 100% xã có đường giao thông đến trung tâm cụm xã, có trạm y tế và điện thắp sáng.

Cao su- giống cây kinh tế đã và đang phát triển trồng trên địa bàn huyện Bác Ái. Ảnh: Văn Miên

Cùng với việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thời gian qua, huyện Bác Ái còn được Trung ương và tỉnh hỗ trợ các mặt hàng trợ giá, trợ cước như: giống cây trồng, vật nuôi, phân bón,... lên đến hàng tỷ đồng. Chính sự trợ giúp thiết thực của Nhà nước đã đưa đời sống vật chất và tinh thần của người dân Bác Ái từng bước được nâng lên. Qua khảo sát thực tế tại một số xã Phước Tân, Phước Tiến, Phước Thắng, Phước Đại, Phước Chính,... chúng tôi nhận thấy, kể từ khi Nhà nước đầu tư xây dựng công trình thủy lợi hồ Sông Sắt và một số công trình thủy lợi vừa và nhỏ như hồ chứa nước Phước Trung, Trà Co... thì những diện tích đất sản xuất lâu nay bỏ hoang nay đã trở thành đồng ruộng sản xuất ít nhất 2 vụ/ năm. Trong sản xuất, bà con đã biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, biết chọn những giống cây trồng có năng xuất, sản lượng cao như mì, lúa nước,... để gieo trồng. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2011, nông dân huyện Bác Ái đã gieo trồng được 6.496 ha, sản lượng lương thực đạt 9.085 tấn. Với lợi thế có diện tích rừng rộng, bà con còn đầu tư phát triển chăn nuôi các loại gia súc như: bò, trâu, dê, cừu, với tổng đàn hiện có trên 25.000 con, tăng 14% so với cùng kỳ, góp phần tạo thêm nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, nhờ chính sách ưu đãi về vốn của Nhà nước và cải cách các thủ tục hành chính của địa phương, các thành phần kinh tế trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư phát triển, nhất là về lĩnh vực thương mại – dịch vụ. Qua đó, cái đói, cái nghèo dần được đẩy lùi, đa số bà con không còn tình trạng đói giáp hạt như trước đây. Những năm được mùa lúa, mùa bắp, nhiều hộ gia đình đã xây dựng được nhà ở khang trang, mua sắm được tiện nghi, vật dụng đắt tiền trong gia đình để phục vụ đời sống.

Nét mới ở Bác Ái hôm nay còn được thể hiện rõ là Đảng bộ, chính quyền từ huyện đến các xã, thôn luôn có mối quan hệ mật thiết với dân. Mọi vấn đề liên quan đến lợi ích của nhân dân đều được đưa ra bàn bạc công khai nên càng thúc đẩy và hoàn thiện các mối quan hệ. Nhờ vậy, việc triển khai các cuộc vận động ở địa phương luôn được nhân dân hưởng ứng nhiệt tình. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” được phát động rộng khắp các xã, thôn tích cực tuyên truyền, vận động nhờ đó đã chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước đến từng hộ dân rất thiết thực. Tỷ lệ học sinh ra lớp năm sau luôn cao hơn năm trước. Riêng từ đầu năm 2011 đến nay, huyện Bác Ái đã vận động xây dựng được 26 căn nhà tình nghĩa với số tiền trên 520 triệu đồng; đã có 2 trường đạt chuẩn Quốc gia, 2 xã đạt chuẩn Quốc gia về Y tế và 2 thôn công nhận đạt danh hiệu thôn Văn hoá.

Đồng chí Bùi Quốc Việt, Trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện cho biết: “Trước đây đi lại khó khăn, cuộc sống chủ yếu của bà con là lên rừng phát rẫy, chưa biết gì về kỹ thuật sản xuất, làm ăn tích luỹ, nhưng hơn 10 năm trở lại đây, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, của tỉnh, cuộc sống của nhân dân trong huyện đã đổi thay rất nhiều. Tuy nhiên, điều mà lãnh đạo huyện Bác Ái luôn trăn trở đó là trình độ đội ngũ cán bộ ở các xã nói chung còn thấp, một số nơi bà con vẫn còn quen với tập tục canh tác lạc hậu. Vì thế, trong thời gian tới huyện rất mong được Trung ương, tỉnh quan tâm tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ xã được tham gia nhiều lớp tập huấn, học tập nâng cao trình độ, nắm bắt khoa học-kỹ thuật về hướng dẫn bà con trong làm ăn, có như vậy mục tiêu xoá đói, giảm nghèo của huyện mới đạt kết quả bền vững.

Đến Bác Ái hôm nay, đi trên những con đường bê-tông chạy giữa các thôn, ngắm nhìn những ngôi nhà mới, hệ thống điện chiếu sáng, đường giao thông thông thoáng, trường học và trạm y tế khang trang cho thấy vùng quê miền núi nơi đây đang ngày một đổi thay. Có được kết quả này là nhờ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bác Ái đã thanh thủ có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là người dân biết phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, biết khắc phục khó khăn để vươn lên xây dựng cuộc sống mới.

Đồng chí Pi-năng Thị Thủy, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái

Sau hơn 10 năm tái lập, đời sống của người dân trong huyện đã được nâng lên, tuy nhiên thực tế Bác Ái vẫn là huyện nghèo. Để giảm nghèo nhanh và bền vững, chủ trương của huyện là huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển thông qua các chương trình, dự án như Chương trình 30a và một số dự án lồng ghép xóa nghèo khác. Cùng với đó, huyện sẽ chú trọng đến việc đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cấp xã, quy hoạch các vùng sản xuất, ứng dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất, cũng như chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng từng vùng của địa phương. Trước mắt, từ nay đến năm 2012, huyện xác định ưu tiên các chính sách đầu tư hỗ trợ trực tiếp đến người dân, nhằm giúp bà con cải thiện nâng cao đời sống, tiếp đó sẽ phân kỳ để đầu tư đúng theo nội dung của từng dự án. Phấn đấu đến năm 2015, số lao động nông thôn đã qua đào tạo, tập huấn đạt trên 40%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 20%.

 
Đồng chí Phan Thế Tài, Chủ tịch UBND xã Phước Đại

Phước Đại là xã được hưởng lợi trực tiếp từ nguồn nước hồ Sông Sắt để phát triển kinh tế, nhờ đó sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển dịch từ tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Để phát triển đảm bảo tính bền vững, hiện nay địa phương đang triển khai rà soát phân nhóm nghèo, trên cơ sở đó đề xuất huyện có những cơ chế, chính sách phù hợp cho từng đối tượng giúp họ vươn lên thoát nghèo. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện giải quyết cho bà con vay vốn để phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập với số tiền hơn 600 triệu đồng; các hộ nghèo trên địa bàn được vay tổng số tiền 4,7 tỷ đồng; ngân sách nhà nước cấp 1,1 tỷ đồng để xây nhà ở theo Chương trình 167… Từ những chính sách ưu đãi của Nhà nước, đời sống dân sinh được cải thiện đáng kể, trong xã không còn hộ đói,hộ sống trong nhà tạm.


 
Đồng chí Ka-tơ Chiêu, Bí thư Đảng ủy-Chủ tịch UBND xã Phước Thắng

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện và Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2011-2015, bên cạnh chú trọng triển khai các mô hình kinh tế nhằm áp dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao sản lượng cây trồng, vật nuôi, xã Phước Thắng còn có nhiều việc làm chú trọng đến đời sống dân sinh. Cụ thể phong trào “Giúp nhau làm kinh tế”, “Xóa đói giảm nghèo”, “Xây dựng làng văn hóa”… phát triển sâu rộng, làm cho “tình làng nghĩa xóm” ngày thêm gắn chặt. Nhất là lĩnh vực chi trả trợ cấp cho các đối tượng chính sách được thực hiện kịp thời, đầy đủ theo từng tháng, từng quý. Cơ sở vật chất của Trạm y tế xã được trang bị đầy đủ, đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Các chính sách về an sinh xã hội được tỉnh quan tâm nên đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên, củng cố thêm lòng tin của người dân đối với Đảng, chính quyền, tạo ra sức mạnh tổng hợp cho sự phát triển ở địa phương.