Câu cá ở Trường Sa

Nếu không kể ngư dân thì chẳng mấy ai có dịp thả câu giữa biển cả xa xôi như vậy, đặc biệt ngay quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc. “Đi biển Trường Sa mà không tranh thủ câu cá thì phí lắm”.

Biển động. Sóng quăng quật như bầy ngựa nối đuôi nhau hung hãn phi nước đại làm con tàu thăm lính đảo không thể cặp cầu cảng Trường Sa được. Đành chờ sóng yên biển lặng. Những người mới đi lần đầu náo nức lên boong tàu ngắm đảo từ xa, xúc động đợi đặt chân lên phên giậu thiêng liêng của Tổ quốc.

Thu hoạch cá ở đảo Đá Tây, Trường Sa - Ảnh: Nguyễn Á

Chú cá vừa dính câu ở vùng biển gần đảo Nam Yết - Ảnh: Quốc Việt

1. Tận dụng ánh mặt trời non dịu của ngày mới để bấm loạt ảnh về đảo Trường Sa Lớn từ xa xong, tôi quay sang mượn dây câu của những người lính cùng ra đảo. Có lẽ đây là những tay câu chuyên nghiệp nhiều kinh nghiệm nhất trên chuyến tàu này. Giữa biển khơi bao la, chẳng anh lính nào mang cần câu theo cho vướng víu. Mỗi người chỉ thủ sẵn vài trăm mét dây cước quấn gọn trên lõi nhựa cất trong balô. Lưỡi câu thì chuẩn bị sẵn mươi cái lớn nhỏ khác nhau, nhưng cái nhỏ nhất cũng phải đảm bảo kéo nổi loại cá năm bảy ký, và cục chì cột dây câu ít nhất phải nặng 300-400 gam để có thể kéo được lưỡi câu chìm sâu xuống đáy nơi hải lưu chảy xiết.

“Đi biển Trường Sa mà không tranh thủ câu cá thì phí lắm”, anh lính kỹ thuật có tên ngồ ngộ Mai Phát Công Sứt, quê Tĩnh Gia, Thanh Hóa, dáng người đậm, da ngăm đen như ngư dân rỉ rả chỉ bảo. Mồi câu là những chú cá biển được lóc thịt để mắc vào lưỡi câu. Cột thêm hai cục chì nặng khoảng 0,5kg vào dây câu cho nặng nữa là xong. Tôi thả dây câu xuống mạn tàu. Công Sứt khuyên chỉ thả 40-50m dây vì biển vùng này không sâu lắm, lại nhiều san hô. Lưỡi câu mắc vào đó rất dễ đi tong. Kinh nghiệm của anh lính thật chính xác. Chẳng cần cần câu vì dòng hải lưu đã tự cuốn lưỡi câu ra xa tàu.

Biển Trường Sa nhiều vùng nước nông, sâu với các rạn san hô có rất nhiều loại cá hấp dẫn để thử thách dân mê câu. Nhưng tôi nhấp nhổm cả giờ vẫn chưa được chú cá nào trong khi Công Sứt đã thu dây câu thắng lợi. Gỡ chú cá bằng cổ chân đang quẫy đành đạch, anh lính cười hoác hàm răng xỉn ố vì nước trà. Tôi không rõ cá gì, chỉ nghe anh nói đó là thu vè, loại cá “nướng lên thì ăn năm chén cơm vẫn chưa đã miệng”. Chỉ lát sau, anh lại kéo lên một chú cá lớn hơn bàn tay và bảo đó là cá bò ngu. Cái tên thật ngộ nhưng hình dáng và màu sắc lấp lánh của chú cá đẹp như cá kiểng trong bể nuôi. Kiên trì mãi tôi cũng kéo được một con bò ngu lớn gần bằng hai bàn tay nối lại. Quả không cảm giác nào thú vị bằng!

2. 11 ngày thăm Trường Sa, chúng tôi còn nhiều dịp thả câu trong những lúc biển động chưa lên được đảo hay phải neo đêm chờ trời sáng. Có hôm gặp gió mùa tơi tả, nhưng nhiều đêm trăng sáng vằng vặc. Mặt biển lung linh huyền ảo như dát bạc dưới ánh trăng. Lúc đầu chỉ lác đác vài tay câu, dần dần lên đến vài chục dọc suốt hai mạn tàu. Ai cũng náo nức buông dây câu, có anh còn lếch thếch cả một cần câu máy mang sẵn từ đất liền. Trầm nghiêm như đại tá Nguyễn Đức Thắng, lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, cũng nhiều lúc tranh thủ thả câu ở đuôi tàu. Ông chỉ nhắm các chú cá lớn khi mang dây câu to bằng một phần ba cây đũa ăn, với mồi câu là chú cá nục lớn hơn hai ngón tay và thả cùng lúc hai, ba dây câu, xả dài cả trăm mét cho nước cuốn trôi.

Vùng biển này hình như khá nhiều cá bò ngu. Chúng chiếm hơn phân nửa trong số cá mọi người câu được. Một khoảnh khắc hiếm hoi, chúng tôi hè nhau kéo được một con cá thu to bằng bắp đùi người lớn vùng vẫy mạnh tưởng đứt cả dây câu. Nhưng thật hi hữu, khi con cá kém may mắn đang được kéo qua mặt nước thì lại bị một chú kình ngư khác vọt lên, táp như lia nhát dao sắc đứt ngang mình. Chúng tôi vừa tiếc ngẩn ngơ kéo lưỡi câu chỉ còn mắc mỗi đầu cá, vừa sững sờ thích thú vì được chứng kiến hình ảnh độc đáo của đại dương.

3. Thú vị nữa là chuyện bắt cá chuồn trong đêm. Theo kinh nghiệm của thủy thủ đoàn, không cần câu, chúng tôi chỉ treo vài bóng đèn neon ở mạn tàu để dụ cá chuồn. Mê ánh sáng, như những con thiêu thân, bọn cá chuồn cứ thế bay vèo vèo trên mặt nước lao vào quầng sáng. Có con bay xa 20-30m trên mặt biển, lao thẳng đầu vào mạn tàu đánh bộp rồi rớt xuống nước, lờ đờ vì bị choáng. Người trên tàu chỉ cần cầm vợt dài vớt lên. Loáng 2-3 giờ chúng tôi đã bắt được vài trăm chú cá chuồn to cỡ nửa cổ tay trở lên, đủ đãi cả tàu hơn 100 người. Mấy anh đầu bếp vui vẻ cho mượn lò làm ngay món nướng thơm lừng.

Sau cảm giác lạ lẫm, thú vị, nhiều người mới ra Trường Sa như chúng tôi không nén được cảm xúc khi chứng kiến tận mắt tài nguyên biển đất nước. Hào hứng tham gia bắt cá cùng tôi, vị cựu chiến binh Quân đoàn 1 tâm sự: “Mai này sau khi thăm lính hải quân, nên có chương trình câu cá để du khách vừa thú vị vừa hiểu thêm tài nguyên biển đất nước mình”. Tôi gật đầu đồng cảm với người lính già.

Nguồn Tuổi trẻ