(NTO) Anh Lâm Văn Phong (ảnh) – chủ cơ sở xây hòn non bộ Phong Phú là một trong những người trẻ tuổi say mê với nghề làm non bộ đã có hơn 8 năm gắn bó với nghề này tâm sự: “Làm non bộ rất khó, muốn kiếm sống bằng nghề này lại càng không dễ chút nào.”
Muốn làm được một hòn non bộ, khâu đầu tiên là chọn đá. Đá phải là những loại đá xốp, dễ hút nước từ trong bồn lên để nuôi cây như đá san hô là phù hợp nhất. Đá cứng như đá vôi thì cần có khe nứt, kẽ gân để làm mạch nước. Loại đá phải có hình dạng giống một ngọn núi hay một hòn đảo nào đó, hoặc có hình thù tạo cảm giác giống các con vật như: long, lân, quy, phụng… Tùy theo con mắt của người làm và người yêu cầu mà chọn các mẫu đá thích hợp. Những khối đá vôi sau khi được lấy về được đem ra phơi khô, sau đó xẻ thành từng miếng, kết hợp với xi-măng và cát để ghép thành cốt. Khó khăn nhất là công đoạn đục đá, cần phải có bàn tay khéo léo để tạo được những khớp nối giữa những miếng đá, người làm giả sơn phải vừa đục vừa tưởng tượng trong đầu về kiểu dáng tác phẩm của mình như thế nào, sau đó ghép lại với nhau. Nhiều khi kiểu dáng của đá không phù hợp với ý tưởng, người làm phải gỡ ra và làm lại từ đầu.
Một hòn non bộ trung bình có chiều cao từ 1,5m đến 2m, thời gian hoàn thành mất khoảng 2 tuần nhưng đối với những hòn non bộ nhỏ thì thời gian hoàn thành có thể lâu hơn. “Hòn non bộ nhỏ cần có chi tiết, thời gian gia công tỉ mỉ hơn hòn non bộ lớn vì nó đòi hỏi nhiều kỹ xảo hơn”- anh Phong nói. Phần lớn khách hàng chuộng mẫu non bộ nhỏ và việc làm vừa lòng khách hàng nhiều khi cũng lắm vấn đề phát sinh. Mùa mưa là mùa khó khăn nhất để làm hòn non bộ, những khi có đơn đặt hàng vào mùa này, anh Phong thường phải mang bạt theo để che cho đá, cây non được trồng trên đá gặp mưa to thì héo rũ và thường chết nhanh hơn, thường thì mỗi khi hoàn thành một tác phẩm, người làm phải bỏ ra nửa tháng chăm sóc cây cho đến khi cây đủ sức bám rễ trên đá, nhưng với mùa mưa thì thời gian chăm sóc phải gấp đôi.
Vì những mặt hàng như hòn non bộ thường phải được làm sẵn để trưng bày, chờ khách hàng đến mua về nên người làm không có tính chủ động và vốn để tạo nên một tác phẩm như vậy rất nặng. Một hòn giả sơn có chiều ngang từ 1m-1,5m có vốn khoảng 1 triệu đồng. Thậm chí những hòn giả sơn cao hơn 3m phải đổ vốn từ 7 triệu đồng trở lên. Nhưng nếu không ai mua thì những hòn non bộ ấy vẫn phải để đấy. “Có khi tôi phải chờ 4 tháng mới có khách hàng mua một mẫu. Bình thường một sản phẩm làm theo đơn đặt hàng tôi được trả 6 triệu, hoặc cao hơn nhưng cũng chỉ đủ sống vì phải bù lỗ cho các mẫu trưng bày không có ai mua và những đơn hàng bị hủy”, anh Phong chia sẻ.
Trần Thái Hảo