Vấn đề hôm nay

Thất thoát lúa trong thu hoạch - làm sao giảm ?

Những năm gần đây nhiều nông hộ trong tỉnh đã áp dụng khoa học-kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất lúa với các mô hình như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”… đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất, có nông hộ đạt năng suất trên 80 tạ/ha.

(NTO) Đây cũng là yếu tố để tăng sản lượng lúa hàng năm của tỉnh. Cụ thể năm 2010 toàn tỉnh đạt gần 198.000 tấn thì năm nay phấn đấu đạt trên 210.000 tấn. Tuy nhiên, có một thực tế là hiện tỷ lệ lúa thất thoát trong và sau thu hoạch ở tỉnh ta còn khá cao. Theo tính toán của các nhà chuyên môn tỷ lệ này không dưới con số 10%.

Như vậy cũng có nghĩa là “góp gió thành bão”: nếu lấy con số sản lượng của năm 2010 thì với 10% thất thoát nông dân toàn tỉnh đã mất 19.800 tấn và với giá bình quân 6.000 đồng/kg lúa như hiện nay thì con số mất đi là hơn 118 tỷ đồng.

Tìm hiểu nguyên nhân thất thoát: điều dễ dàng nhận thấy là phần lớn diện tích lúa đến mùa thu hoạch đều bằng thủ công. Có nơi lúa được bó để xe bò hay máy cày vận chuyển đến sân lúa để “nhai”, cũng có nơi người lao động phải gánh. Chỉ riêng công đoạn này đã thất thoát nhiều. Đó là chưa kể tình trạng đến vụ thu hoạch nhưng nhân công thiếu đã làm cho thời gian thu hoạch kéo dài. Vậy là lúa chín “rục” trên đồng làm cho tỷ lệ rơi vãi cao. Mặt khác, thu hoạch xong nhưng lại thiếu sân phơi, nhất là vào mùa mưa nên làm cho lúa vừa bị hư hao, vừa giảm chất lượng lúa hàng hóa… Gần đây bằng các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, không ít nông hộ đã mạnh dạn mua máy gặt đập liên hợp để thu hoạch lúa, nhờ đó cũng góp phần giảm thất thoát trong khâu thu hoạch. Đáng tiếc là do đồng ruộng của nông dân đa phần là nhỏ, khâu thủy lợi nội đồng chưa bài bản… nên có nơi khó đưa máy vào thu hoạch. Một thực tế nữa là số máy gặt hiện chưa nhiều nên vẫn còn không dưới 70% diện tích thu hoạch bằng thủ công.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để giảm thất thoát? Theo khuyến cáo: Lúa trên đồng ruộng đạt độ chín từ 85-90% là thu hoạch và thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp. Chú trọng trong khâu bảo quản để bảo đảm phẩm chất lúa, nâng cao giá trị thương phẩm… Tuy nhiên, để làm được điều đó không thể chỉ một mình bà con nông dân xoay sở mà rất cần đến sự quan tâm đúng mức bằng sự liên kết của các nhà doanh nghiệp, nhà chuyên môn trong việc hỗ trợ nhà nông về kỹ thuật, vốn cả trong thu hoạch và dự trữ… để góp phần giảm thất thoát, tăng thu nhập cho nông dân.