Bộ Y tế và WHO cũng đưa ra nhận định chung về số người mắc bệnh tay-chân-miệng (TCM) có xu hướng tăng cao vào giai đoạn từ tháng 3-5 và tháng 9-12. TS Bình cũng cho biết, trước nhận định về bệnh TCM sẽ tăng mạnh số người mắc vào dịp cuối năm nay, đặc biệt khi năm học mới đã bắt đầu, Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch hành động phòng chống bệnh TCM tại các trường học, nhà trẻ, mẫu giáo và sẽ sớm đưa vào triển khai.
Trẻ em đang được điều trị bệnh chân-tay-miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Tường Lâm
Cùng với đó, Bộ Y tế đang tập trung thực hiện Chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về các biện pháp phòng chống bệnh TCM và tổ chức nhiều đoàn công tác xuống các “ điểm nóng” về bệnh TCM để kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống. Tuy nhiên, đại diện Cục YTDP cũng thẳng thắn, thực tế kiểm tra cho thấy, sự phối hợp liên ngành của địa phương trong hoạt động phòng chống dịch bệnh TCM chưa chặt chẽ, còn giao phó chủ yếu cho ngành y tế. Việc giám sát, điều tra ổ dịch TCM chưa phát hiện các nhóm đối tượng nguy cơ cụ thể, bỏ sót các hộ trông trẻ tại gia đình trong khi nhóm này chiếm tỉ lệ lớn trong khu dân cư.
Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, toàn quốc ghi nhận trên 42.673 người mắc bệnh TCM và 98 ca tử vong (số mắc và tử vong cao gấp gần 5 lần so với năm ngoái). Bệnh TCM ghi nhận ở hầu hết tỉnh, thành phố trong cả nước, nhưng tập trung chủ yếu ở các tỉnh khu vực miền Nam và miền Trung. Đáng lưu ý, trên 75% số trường hợp tử vong là trẻ em dưới 3 tuổi và gần 50% số trường hợp mắc TCM là do chủng virus EV 71 nguy hiểm nhất gây ra, với các biến chứng nặng như: viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp.
Hiện nay, bệnh TCM vẫn chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu nhưng có thể giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh bằng vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường. Do đó, Bộ Y tế và WHO có khuyến cáo về các biện pháp phòng chống bệnh TCM như sau:
Người chăm sóc trẻ và trẻ em rửa tay nhiều lần bằng xà phòng, đặc biệt là trước khi chuẩn bị thức ăn, cho trẻ ăn và sau khi thay tã lót, đi vệ sinh; Người bệnh nên che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; Các gia đình, trường mầm non, nhà mẫu giáo, cơ sở chăm sóc trẻ thường xuyên lau sạch các bề mặt và các vật dụng, đồ chơi bị nhiễm bẩn bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn thông thường ít nhất 2 lần trong ngày và giữ vệ các khu vực xung quanh; Không nên đưa trẻ đến các khu vực như trường mầm non, nhà mẫu giáo, chăm sóc trẻ nếu các khu vực này đã bị nhiễm bệnh; Cho trẻ ăn chín, uống chín. Không ăn chung thìa, bát; Tránh tiếp xúc gần với người đã bị mắc bệnh; Người chăm sóc trẻ theo dõi sát sức khỏe của trẻ để phát hiện kịp thời các trường hợp mắc bệnh. Khi thấy trẻ bị sốt và xuất hiện nốt phỏng ở bàn tay, bàn chân hoặc miệng, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế nơi gần nhất để được khám, điều trị kịp thời; Các nhà trẻ, mẫu giáo phải có các khu vực rửa tay bằng xà phòng, có khu vực xử lý chất thải theo quy định.
Nguồn Báo SGGP