Phụ nữ có tỉ lệ eo/mông > 0,85 hoặc nam giới > 0,95 có nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường, tim mạch dù có dư cân hay thiếu cân. Chỉ số vòng eo tuyệt đối (đo vòng bụng ngang qua rốn hoặc ngang nơi to nhất) mà nam trên 90 cm, nữ trên 80 cm cũng là yếu tố nguy cơ cao của hội chứng chuyển hóa liên quan đến béo bụng và tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tăng đường huyết...
Bởi vậy, mới có câu “vòng thắt lưng càng dài, vòng đời càng ngắn”. Vòng thắt lưng ở đây chính là độ lớn vòng bụng biểu thị cho sự tích mỡ ở vùng bụng và trong nội tạng (tích mỡ nhiều thì mập, bụng bự). Các chàng trai thật có lý khi bị cuốn hút bởi những bóng hình “thắt đáy lưng ong” với eo/mông ≤ 0,7. Bên cạnh đó, một chi tiết khá quan trọng để các chàng chọn vợ là vòng hông phải đủ rộng để sinh nở dễ dàng hơn.
Muốn có vòng eo lý tưởng thì cần có cân nặng lý tưởng so với chiều cao. Cân nặng lý tưởng (kg) có thể tính bằng công thức: chiều cao (mét) x chiều cao (mét) x 22” hoặc [chiều cao (cm) – 100] x 0,9. Như vậy, một người cao 1,6 m có cân nặng lý tưởng khoảng: 1,6 x 1,6 x 22 = 56 kg hoặc (160 – 100) x 0,9 = 54 kg.
Muốn có vòng eo đẹp, ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý, còn cần phải tập luyện thể dục thể thao. Vận động giúp cơ bụng săn chắc, thon gọn và giảm mỡ thừa ở “khu vực” này.
Để đạt được tiêu chuẩn hình thể tốt, cần ăn uống phù hợp với nhu cầu, không để thiếu hoặc thừa và hoạt động thể lực đều đặn bằng cuộc sống năng động, đi lại nhiều thay cho nằm, ngồi và tham gia các loại hình thể dục thể thao yêu thích. Các nghiên cứu gần đây của các chuyên gia Nhật Bản cho thấy yếu tố dinh dưỡng đóng góp nhiều nhất (32%) trên chiều cao của một người.
Giai đoạn để trẻ phát triển hết tiềm năng (gien) của mình là từ giai đoạn bào thai đến 18-20 tuổi. Trong đó có 3 giai đoạn quyết định nhất là giai đoạn trong bào thai, 3 năm đầu đời và giai đoạn tăng tốc phát triển ở tuổi tiền dậy thì và dậy thì.
Nguồn Báo Dân Việt