(NTO) Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) số người bị THA hiện nay khoảng 1,5 tỷ người, trong đó: chỉ khoảng 50% số người biết mình THA, 30% số người được điều trị và chỉ khoảng 12% số người kiểm soát được huyết áp dưới 140/90 mmHg. Riêng ở Việt Nam tần suất mắc ngày càng tăng nhanh khi tuổi thọ tăng và nhiều yếu tố nguy cơ gia tăng.
Ở tỉnh ta trong năm 2010, THA là bệnh đứng thứ 7 trong 10 loại bệnh nhập bệnh viện tỉnh cao nhất, với biến chứng tai biến mạch máu não chung là 675 ca, trong đó số tử vong là 18 ca. Điều đó cho thấy tình hình THA đã đáng lo ngại, nhưng trên thực tế số ca THA trong cộng đồng còn cao hơn rất nhiều lần và trong đó cũng rất nhiều người không biết mình bị THA.
Theo định nghĩa của WHO năm 2003, bị THA là tình trạng thường xuyên huyết áp tối đa > 140mmHg và huyết áp tối thiểu > 90 mmHg. Tuy nhiên để chẩn đoán một người THA thì phải được thầy thuốc thực hiện đúng quy định.
Bệnh THA thường được chia làm 2 loại là THA nguyên phát (không tìm được nguyên nhân) chiếm tỉ lệ hơn 95% số ca bệnh và THA thứ phát là do mắc phải một bệnh khác hoặc đang dùng loại thuốc gây ra, khi giải quyết bệnh gốc thì huyết áp trở lại bình thường.
Các yếu tố nguy cơ:
1. Nam giới > 55 tuổi hoặc nữ giới > 65 tuổi;
2. Hút thuốc lá hoặc thuốc lào thường xuyên hay không thường xuyên;
3. Uống nhiều bia rượu: hàng ngày mỗi người chỉ có thể uống khoảng 30ml rượu mạnh hoặc 150 ml rượu vang hoặc 300ml bia (1 lon);
4. Béo phì;
5. Ít vận động;
6. Ăn mặn: mỗi người chỉ nên dùng 6 – 10 gam muối/ ngày;
7. Có cha, mẹ, hoặc anh chị em bị THA;
8.Thường xuyên bị căng thẳng do công việc hoặc xáo trộn tâm lý;
9. Rối loạn lipide (mỡ) máu.
Mỗi người hãy tự chấm điểm nguy cơ, nếu có từ 2/9 yếu tố nguy cơ thì nên đi kiểm tra huyết áp ngay và cần thực hiện đúng theo hướng dẫn của thầy thuốc.
BS. Nguyễn Năm