Kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông
- Ảnh: Chinhphu.vn
Với chủ đề “Phòng, chống uống rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông”, ngày mai 31/8 theo chỉ đạo của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, các địa phương sẽ đồng loạt tổ chức ra quân hưởng ứng Tháng An toàn giao thông.
Tháng An toàn giao thông (tháng 9) năm nay được Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia phát động với mục đích từng bước nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về hiểm hoạ của việc lạm dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông và ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người tham gia giao thông, không uống rượu bia trước khi điều khiển phương tiện. Đồng thời hưởng ứng các hoạt động phòng, chống lạm dụng rượu bia và lái xe trong chương trình “Thập kỷ hành động an toàn giao thông đường bộ 2011-2020” của Liên Hợp Quốc.
Theo Chánh Văn phòng Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia Thân Văn Thanh, hiện có khoảng 11% người tử vong vì tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia và khoảng 40% vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia.
Mặc dù số vụ tai nạn giao thông nếu tính trên số phương tiện và số đầu người ở Việt Nam ở mức trung bình khá, bình quân 13,5 người/100 dân/ năm, nhưng theo ông Thân Văn Thanh, thời gian gần đây vi phạm về giao thông có biểu hiện diễn biến phức tạp, trong đó vi phạm do nguyên nhân liên quan đến rượu bia tại Việt Nam được các chuyên gia về giao thông đánh giá khá cao
Theo báo cáo nghiên cứu Tổ chức Y tế thế giới, sử dụng chất có cồn dù chỉ một lượng rất nhỏ cũng làm tăng khả năng va chạm đối với người điều khiển phương tiện, bởi chất có cồn không chỉ làm giảm tầm nhìn, thời gian xử lý mà còn tác động đến việc phán đoán tình huống.
Ở nhiều quốc gia các nghiên cứu đã cho thấy có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ va chạm giao thông liên quan đến sử dụng chất có cồn. Đặc biệt lái xe trẻ, thiếu kinh nghiệm có nguy cơ bị va chạm giao thông liên quan đến sử dụng chất có cồn nhiều hơn và các va chạm này thường xảy ra vào ban đêm.
Tuy nhiên báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới cũng chỉ ra rằng, tại nhiều quốc gia, vấn đề này chưa được hiểu một cách đúng mức, vì thế cộng đồng chưa nhận thức được sự nghiêm trọng của vấn đề.
Năm 2008, Luật Giao thông đường bộ sửa đổi được Quốc hội khoá XII thông qua đã quy định người điều khiển ô tô không được uống rượu, bia; đối với người điều khiển xe hai bánh nồng độ rượu bia cũng đuợc quy định nhỏ hơn rất nhiều so với nhưng quy định trước đó.
Theo ông Thân Văn Thanh, uống rượu bia là một tập quán của người Việt Nam, do vậy sẽ tăng cường thông tin, tuyên truyền để nâng cao ý thức tự giác của người điều khiển phương tiện mô tô và xe gắn máy.
Đối với tháng An toàn giao thông năm nay Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chỉ đạo Ban An toàn giao thông các địa phương tổ chức nhiều nội dung, trong đó, đáng chú ý là đợt cao điểm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi quy định của pháp luật về nồng độ cồn, các mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn đối với lái xe, các nguy cơ gây tai nạn và hậu quả tai nạn giao thông do lái xe uống rượu, bia…
Ngoài ra, công tác tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm sẽ được tăng cường, huy động các lực lượng, bổ sung trang thiết bị đo nồng độ cồn. Các lực lượng chức năng sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, đây sẽ là giải pháp quan trọng có tính răn đe cao nhằm tạo thói quen tự giác chấp hành pháp luật, không uống rượu bia trước khi lái xe.
Nguồn www.chinhphu.vn