(NTO) Mưa lũ đã làm 2 căn nhà bị sập; 3 cây cầu bị hư; gần 60 ha lúa và cây trồng các loại bị ngập và thiệt hại hoàn toàn; 500 m2 ao đìa nuôi trồng thủy sản bị ngập và mất trắng; gần 600 con gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi... Ước thiệt hại do lũ gây ra cho các địa phương nói trên khoảng 4 tỷ đồng.
Sau lũ lãnh đạo huyện Ninh Sơn đã kịp thời có mặt tại những nơi bị thiệt hại
để tìm cách khắc hậu quả cho dân. (Trong ảnh, đồng chí Nguyễn Long Biên,
Phó Chủ tịch UBND huyện cùng lãnh đạo các phòng, ban của huyện
kiểm tra cầu treo Xóm Mới bắc từ thôn Lâm Bình sang thôn Gòn 2 sau khi bị nước lũ cuốn sập)
Trở lại Ninh Sơn sau cơn lũ quét, chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Hùng, ở thôn Lâm Bình, xã Lâm Sơn, bị sập nhà trong đợt lũ vừa qua. Gặp lại chúng tôi, anh Hùng vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại: Khoảng 4 giờ chiều trời bắt đầu mưa to, chừng 3 tiếng đồng hồ sau thì nước suối dâng rất cao. Thấy vậy, gia đình khiêng đồ để lên cao, nhưng vừa ra khỏi nhà đã nghe tiếng ào, rồi căn nhà sập luôn, tất cả bị cuốn thôi theo dòng nước. May mà người không sao hết! Hiện nay, gia đình anh Hùng đang sống tạm ở nhà người thân.
Trong đợt lũ quét, Lâm Sơn là địa phương bị thiệt hại nhiều nhất, ước tính trên 1 tỷ đồng. Trong đó, có 1 căn nhà bị sập, trên 23 ha hoa màu và cây ăn trái lâu năm bị thiệt hại hoàn toàn. Mưa lũ cũng đã làm sập 3 nhịp cầu treo Xóm Mới nối liền hai thôn Lâm Bình với thôn Gòn 2; làm hỏng cầu gỗ qua suối Sakai thuộc thôn Lâm Hòa, xã Lâm Sơn. Tuyến đường liên thôn đi qua thôn Gòn nhiều đoạn đã bị hư hỏng nặng... Đồng chí Thái Dương Hoài Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Sơn cho biết: “Ngay trong mưa lũ, lãnh đạo xã đã đến thăm động viên các hộ gia đình bị thiệt hại nặng; đồng thời chỉ đạo nhanh chóng di dời các hộ dân sống sát suối đến nơi ở an toàn, nhờ đó không có thiệt hại về người.”
Sau lũ nhiều diện tích hoa màu và đường dân sinh ở địa phương bị hư hỏng nặng.
Không riêng gì Lâm Sơn, các địa phương Lương Sơn, Tân Sơn cũng hứng chịu hậu quả của cơn lũ quét khá nặng. Ngoài tàn phá trên 30 ha diện tích hoa màu của người dân các thôn Trà Giang 1, 2 và 4 của xã Lương Sơn, dòng nước xiết còn làm thiệt hại 3 căn nhà, cuốn trôi hàng trăm con gia cầm của người dân ở thị trấn Tân Sơn và làm sập hoàn toàn cầu treo bắc qua thôn Trà Giang 4 của xã Lương Sơn. Anh Nguyễn Công Trình ở thôn Trà Giang 4 cho biết: “Tôi sống ở đây mấy cục năm nay nhưng chưa có năm nào nước lũ xuống nhanh và giữ như cơn lũ tối 22-8. Do lũ xuống nhanh nên mọi người không ai trở tay kịp, chỉ biết thoát thân còn của cải trong nhà chẳng kịp mang theo gì. Bà Nguyễn Thị Hồng ở khu phố 2 - người bị thiệt hại nhiều nhất ở thị trấn Tân Sơn nói trong nuối tiếc: “Khoảng 7 giờ tối nước bất ngờ chảy theo cửa chính đổ ập vào nhà. Trong vòng 15 phút, gần 300 con gà, 13 con heo và trên 10 tấn lúa, gạo của gia đình đã bị nước nhấn chìm và cuốn đi. Nhìn của mất lòng xót mà chẳng biết làm gì được!”
Ngày 23-8, ngay sau khi cơn lũ đi qua, huyện Ninh Sơn đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp để bàn biện pháp khắc phục thiệt hại cho dân, đồng thời chỉ đạo các địa phương Lâm Sơn, Lương Sơn và thị trấn Tân Sơn nhanh chóng huy động lực lượng tại chỗ cùng nhân dân dọn dẹp vệ sinh, nạo vét khai thông kênh mương, cống rãnh và sửa chữa kịp thời các tuyến đường bị sạt lở. Bằng tinh thần, trách nhiệm cao đến nay công tác khắc phục hậu quả do lũ quét gây ra trên địa bàn huyện Ninh Sơn đang được triển khai khá tốt.
Đồng chí Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Đây là trận lũ quét lớn nhất từ trước tới nay ở Ninh Sơn và đến sớm hơn mọi năm nên đã gây thiệt hại khá nặng cho địa phương. Để giúp người dân sớm ổn định sản xuất và cuộc sống, quyết tâm của huyện là nhanh chống khắc phục hậu quả bằng việc chỉ đạo các phòng, ban của huyện nhanh chóng rà soát, thống kê thiệt hại cụ thể về tài sản, hoa màu để kịp thời hỗ trợ cho dân. Đối với các công trình công cộng như cầu treo Xóm Mới bắc từ thôn Lâm Bình sang thôn Gòn 2, UBND huyện đã giao Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Ban Quản lý các công trình cơ sở hạ tầng của huyện phối hợp với Ban Quản lý thủy điện Hạ Sông Pha 1 và xã Lâm Sơn nhanh chóng gia cố tạm thời để giải quyết cấp bách về giao thông cho bà con. Riêng cầu treo bắc qua thôn Trà Giang 4, do chưa có kinh phí để xây dựng nên trước mắt huyện đã trích 250 triệu đồng từ nguồn kinh phí dự phòng để tu sửa lại con đường dân sinh từ thôn Tân Lập 1 đến khu dân cư thôn Trà Giang 4. Huyện phấn đấu đến đầu tháng 9, tất cả các công trình trên đều hoàn thành đảm bảo việc đi lại cho nhân dân trong vùng và các em học sinh đến trường trong năm học mới được thuận lợi.
Thực tế qua đợt mưa lũ ngày 22-8 trên địa bàn huyện Ninh Sơn cho thấy, công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai với phương châm "bốn tại chỗ" được chính quyền huyện Ninh Sơn triển khai có hiệu quả. Tuy nhiên, do Ninh Sơn là địa bàn có nhiều sông suối thường xuyên xảy ra lũ quét trong những tháng mùa mưa, vì thế trước mắt huyện Ninh Sơn đang đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ trên 2,5 tỷ đồng để kịp khắc phục các cây cầu bị hư hại do lũ gây ra và kêu gọi các ngành chức năng địa phương hỗ trợ phân bón, giống cây trồng cho những nơi bị thiệt hại để nhân dân tiếp tục sản xuất vụ mùa sắp tới. Về lâu dài , chính quyền và nhân dân huyện Ninh Sơn rất mong tỉnh xem xét có phương án hỗ trợ kinh phí một lần để xây mới cầu bê tông xi măng thay cho các cầu treo đã bị uốn trôi trong đợt lũ vừa qua, có như vậy bà con mới yên tâm lao động, ổn định cuộc sống.
Văn Thanh