- Phóng viên: Xin bác sĩ cho biết tình hình bệnh chân-tay-miệng ở tỉnh ta hiện nay?
- Bác sĩ Phan Thị Lai: Năm nay, bệnh chân-tay-miệng phát hiện ca mắc đầu tiên ở tỉnh ta từ tháng 4 (có 11 ca bệnh) và đỉnh điểm là tháng 6 (89 ca bệnh) sang tháng 8 bệnh có xu hướng giảm dần. Riêng trong 3 tuần của tháng 8 chỉ có 17 ca bệnh. Qua thống kê từ đầu năm đến ngày 21-8, toàn tỉnh có 205 ca, trong đó có 1 trường hợp tử vong (trẻ hơn 1 tuổi, ở phường Đông Hải, Tp.Phan Rang-Tháp Chàm). Bệnh đã có ở 6/7 huyện, thành phố của tỉnh; các địa phương có nhiều ca bệnh là Ninh Hải 50 ca, Ninh Sơn 45 ca, Phan Rang-Tháp Chàm 44 ca, Thuận Nam 42 ca. Đối tượng mắc bệnh đa phần là trẻ dưới 5 tuổi. Trong tháng 4, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành địa phương tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, trong đó có bệnh chân-tay-miệng. Đối với ngành, đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các cơ sở y tế chủ động trong công tác phòng, chống bệnh. Cụ thể đối với các cơ sở y tế chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để thu dung bệnh nhân, thuốc, phương tiện điều trị bệnh.
Đối với hệ dự phòng tăng cường công tác giám sát, phát hiện bệnh sớm. Những nơi có người mắc bệnh thì khoanh vùng, khử khuẩn bằng việc cấp thuốc cloramin cho gia đình có người mắc bệnh và những hộ sống xung quanh để vệ sinh nhà ở, các vật dụng, đồ chơi của trẻ. Tăng cường công tác tuyên truyền về cách phòng bệnh chân-tay-miệng trên các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền trực tiếp. Ngành đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ về phòng, chống bệnh cho cán bộ y tế thôn, khu phố để hỗ trợ công tác tuyên truyền ở tuyến y tế cơ sở. Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên nên tình hình bệnh chân-tay-miệng ở tỉnh ta có xu hướng giảm.
- Phóng viên: Được biết chu kỳ xuất hiện bệnh chân-tay-miệng từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm, đây cũng là thời điểm học sinh đến trường nên nguy cơ lây bệnh cao. Xin bác sĩ cho biết ngành đã có giải pháp nào để phòng,chống bệnh trong thời gian tới?
- Bác sĩ Phan Thị Lai: Bệnh chân-tay-miệng lây lan rất nhanh trong cộng đồng, chủ yếu qua đường tiếp xúc trực tiếp với dịch từ mũi, hầu, họng, nước bọt, dịch tiết từ các nốt phỏng hoặc tiếp xúc với chất tiết của bệnh nhân thông qua dụng cụ sinh hoạt, đồ chơi, bàn ghế, nền nhà…Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không phát hiện sớm và chữa trị kịp thời. Hiện nay, bệnh chưa có vắc-xin phòng bệnh vì vậy biện pháp hiệu quả nhất là phòng bệnh để giảm nguy cơ mắc bệnh và lây lan bệnh ra cộng đồng. Mặc dù hiện nay, tình hình bệnh chân-tay-miệng ở tỉnh ta đang có xu hướng giảm nhưng ngành vẫn chủ động tiếp tục thực hiện các giải pháp phòng, chống bệnh. Ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác bệnh chân-tay-miệng nhằm huy động toàn xã hội cùng tham gia phòng, chống bệnh chân-tay-miệng. Ngoài việc chuẩn bị tốt các điều kiện để thu dung điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, ngành tăng cường hơn nữa công tác giám sát dịch tễ cơ sở để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, khoanh vùng, khống chế không để bệnh lây lan ra cộng đồng. Đặc biệt là tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến để người dân chủ động phòng bệnh hiệu quả. Ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt công tác phòng, chống bệnh trong các trường mầm non, tiểu học. Cấp phát thuốc cloramin và hướng dẫn nhà trẻ, nhóm trẻ, trường học trong tỉnh thường xuyên quan tâm đến công tác vệ sinh, khử khuẩn. Các trường học tổ chức giờ học ngoại khóa phồ biến kiến thức phòng, chống bệnh chân-tay-miệng cho giáo viên và học sinh.
Bệnh chân-tay-miệng lây lan qua đường tiếp xúc vì vậy thường xuyên rửa sạch bàn tay cho trẻ bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi tiểu tiện. Người chăm sóc trẻ cần giữ gìn tốt vệ sinh cá nhân, nhất là bàn tay. Cùng với việc giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, các bậc cha mẹ cần lưu ý cho trẻ ăn uống đầy đủ chất để đảm bảo sức khỏe, tăng sức đề kháng hạn chế nguy cơ mắc bệnh. Khi có các dấu hiệu sốt, đau họng, đau miệng, loét miệng, dạng ban phỏng ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
- Phóng viên: Xin cám ơn bác sĩ!
Thu Thủy (thực hiện)