Tái cấu trúc nền kinh tế - Yêu cầu bức thiết

Một cách nhìn khá thấu đáo về thực trạng của nền kinh tế nước ta đã được mổ xẻ tại hội thảo “Tái cấu trúc nền kinh tế - Bắt đầu từ đâu?” do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức vào ngày 25-8, tại TP. Hồ Chí Minh.

Tái diễn chu kỳ bất ổn

 “Tại sao phải đặt vấn đề tái cấu trúc?”. Theo Phó Giáo sư tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thực tiễn đòi hỏi và bắt nguồn từ hai yêu cầu chính: nền kinh tế đang sa vào nhiều vấn đề nghiêm trọng, bế tắc và lộ ra suy thoái. Thứ hai, các điều kiện đáp ứng yêu cầu phát triển trong hội nhập thiếu thốn, yếu kém, chứng tỏ năng lực hội nhập kém và tính ít triển vọng tranh đua trong hội nhập.

Sản xuất các mặt hàng điện tử với hàm lượng chất xám cao giúp tái cấu trúc nền kinh tế.
Ảnh: THANH TÂM

Từ khi gia nhập WTO năm 2007 đến nay, tình trạng không cân đối trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam ngày càng bộc lộ rõ khi cơ hội phát triển nhiều, tiềm năng phát triển lớn, tốc độ tăng trưởng khá cao được duy trì, song nền kinh tế càng phát triển càng mất cân đối và rơi vào tình trạng lạm phát, bất ổn vĩ mô kéo dài. Sự tái diễn lạm phát qua từng năm cho thấy mô hình tăng trưởng có vấn đề và cơ cấu nội tại nền kinh tế bộc lộ những yếu kém.

Trong vòng 5 năm (từ 2006-2010), lạm phát đã tăng gần 60% trong khi tổng tăng trưởng GDP chỉ đạt 35,1%. Chưa tính việc phân bổ lợi ích tăng trưởng có xu hướng tập trung cho nhóm người giàu và đầu cơ thì hai con số nêu trên đã đủ chứng tỏ thu nhập thực tế và mức sống của người dân, nhất là tầng lớp nghèo bị giảm sút rất mạnh.

Cũng trong giai đoạn trên, hàng năm Chính phủ đều phải nỗ lực rất lớn trong điều hành để kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô nhưng các giải pháp thực thi chủ yếu mang tính ngắn hạn, tình thế, nặng về hành chính, chưa tập trung xử lý các vấn đề cơ bản. Kết cục, có thể đạt được ổn định ngắn hạn, đạt được một số mục tiêu chính nhưng lại hao tổn nguồn lực quốc gia khá lớn, rồi sau đó lại bước vào một chu kỳ ngắn hạn mới: Tiếp tục đương đầu với tình trạng bất ổn và nguy cơ lạm phát gay gắt hơn. Sự tái diễn hàng năm một chu kỳ như vậy chứa đựng nguy cơ tạo vòng xoáy bất ổn và xu hướng suy thoái rất đáng lo ngại. “Chúng ta đã đánh mất cơ hội kép của nền kinh tế Việt Nam trong 5 năm qua: mất cơ hội tạo bùng nổ tăng trưởng do hội nhập đem đến và mất cơ hội tái cấu trúc nền kinh tế do tình thế khủng hoảng tạo ra”, PGS-TS Trần Đình Thiên nhận xét.

Giáo sư Tiến sĩ khoa học Nguyễn Quang Thái, Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, đặt ra những vấn đề phi lý đang tồn tại. Tại sao gần như năm nào thống kê các tỉnh đều tăng trưởng trên 10%, nhưng con số thống kê cả nước chỉ có 7%? Dưới góc nhìn vĩ mô, đất nước đã có 5 năm mất cân đối vĩ mô lớn và các sai lầm khiếm khuyết nhiều năm tích tụ lại. Đó là, cân đối tích lũy và đầu tư: khi tích lũy dưới 30% GDP nhưng đầu tư trên 40% GDP gây ra tình trạng vay nợ cả của khu vực nhà nước và tư nhân khá nặng nề. Tiếp đó, cân đối thu chi ngân sách quá lớn về quy mô và thâm hụt lớn. Cân đối hàng - tiền: tổng phương tiện thanh toán được tung ra quá lớn, nhất là sau những biện pháp trợ giá và tín dụng ưu đãi lớn. Cân đối toàn bộ quá trình tái sản xuất, trong việc tăng tiêu hao vật chất, nhập siêu, tích lũy quá mức, tiêu dùng của Chính phủ và nhân dân còn nhiều lãng phí, chưa tương xứng với nền kinh tế; các sai lầm thiếu sót và cả yếu kém trong cơ chế, chính sách và cả trong điều hành.

Manh mún, cát cứ

Sự bất ổn của nền kinh tế đã thể hiện rõ qua lát cắt của nền kinh tế. Cả nước có 18 khu kinh tế ven biển, gần 30 khu kinh tế cửa khẩu, 260 khu công nghiệp và khoảng 650 cụm công nghiệp. Cấu trúc tổ chức công nghiệp của Việt Nam rất manh mún, sự phân bố công nghiệp dàn trải, phân tán và lãng phí nguồn lực.

Tình trạng “chia cắt” của một nền kinh tế thị trường thành 64 “nền” kinh tế - một nền kinh tế “trung ương” và 63 nền kinh tế “địa phương” - ngày càng rõ nét. Mâu thuẫn xảy ra là, dường như càng phát triển, càng đầu tư nhiều hạ tầng thì nền kinh tế càng bị chia cắt, càng “cạnh tranh ngược” giữa các địa phương, ít hướng tới sự phân công và kết nối để phát huy thế mạnh. Nhập siêu ngày càng nghiêm trọng dẫn đến sự lệ thuộc vào thị trường bên ngoài một cách bất bình thường và đáng báo động. Đó là hậu quả không thể tránh khỏi của cách thức phân bổ nguồn lực mang nặng tính hành chính - xin cho, ít dựa trên nguyên tắc thị trường.

Lâu nay, mô hình tăng trưởng với các trụ cột chính như sau: khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ chất lượng thấp, đầu tư vốn lớn và dễ dàng, khu vực doanh nghiệp nhà nước có thế lực mạnh hiệu quả thấp, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng xét theo quan điểm phát triển bền vững. Kéo theo đó là một cơ cấu công nghiệp lệch lạc, thiếu nền tảng công nghiệp hỗ trợ, thiếu lực lượng doanh nghiệp có khả năng liên kết và gia nhập vào chuỗi sản xuất thế giới và khu vực, dẫn tới không thể cạnh tranh và lớn lên một cách bình thường. Việc quy hoạch và thu hút đầu tư vào ngành thép là ví dụ. Sức tiêu thụ của đất nước chừng vài chục triệu tấn, nhưng quy hoạch phát triển lên 60 triệu tấn, trong đó riêng Vũng Áng là 20 triệu tấn, Bà Rịa - Vũng Tàu 10 triệu tấn. Ngay mặt hàng xuất khẩu cao, hàng đầu như dệt may lại có nguyên liệu nhập tới 80%, trừ cho 10% các chi phí khác, như vậy chúng ta không còn gì, hay nói cách khác là đang “xuất thuê” cho nước ngoài! Xét về doanh nghiệp, sức cạnh tranh còn yếu kém. Tuy số lượng đăng ký cao, trên 500.000 doanh nghiệp, nhưng chỉ khoảng 2/3 còn đang hoạt động, làm nghĩa vụ thuế với nhà nước. Quy mô và hiệu quả chưa đủ sức để các doanh nghiệp này có thể tham gia cuộc cạnh tranh toàn cầu hóa.

Tái cấu trúc từ đâu?

Theo ông Trần Đình Thiên, vấn đề tái cấu trúc có phạm vi rộng và phức tạp, nó bao gồm cả sự mổ xẻ cơ cấu ngành, vùng lẫn sự phân tích hệ thống thể chế, cơ chế vận hành và hệ thống quản trị vĩ mô. Có thể khái quát nội dung tái cấu trúc nền kinh tế bao hàm một số nội dung chủ chốt: tái cấu trúc hệ thống quản trị vĩ mô (hệ thống ngân sách, hệ thống ngân hàng, đầu tư công, cải cách hành chính…); tái cấu trúc hệ thống phân cấp quản lý trung ương - địa phương; tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước, trước hết là các tập đoàn kinh tế nhà nước; cấu trúc lại hệ thống các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; cấu trúc và phát triển hệ thống hạ tầng… “Khối lượng tái cấu trúc rất lớn. Hội nghị tham vấn của Thủ tướng vừa qua có định hướng một số nội dung tái cấu trúc theo nghĩa phải bắt đầu và tập trung ưu tiên vào đó. Thủ tướng cũng tạm chốt lại vài tọa độ cấp bách: tái cấu trúc đầu tư công, chi tiêu ngân sách và phân cấp trung ương - địa phương. Tuy nhiên tất cả chỉ mới là đề xuất ban đầu, chưa nêu rõ luận cứ, luận chứng. Bản thân những đề xuất đó cũng chưa bảo đảm sự hợp lý thực tiễn”, ông Trần Đình Thiên cho biết.

Nguồn Báo SGGP