(NTO) Theo hướng đó, từ đầu năm đến nay, kinh tế Ninh Phước đã tăng trưởng khá, tổng giá trị sản xuất các ngành tăng 54,3% so với cùng kỳ năm 2010, đã tạo tiền đề thuận lợi cho việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ cả năm.
Diện tích nho trồng ở Ninh Phước đang phục hồi, đến nay đã đạt gần 230 ha,
riêng đầu năm đến nay đã trồng mới 40 ha.
Về nông nghiệp, cả 2 vụ đông-xuân và hè-thu đã gieo trồng tổng diện tích 14.994 ha, đạt 67,6% kế hoạch năm và tăng 92,7% so với năm 2010; năng suất, sản lượng hầu hết các loại cây trồng đạt khá, trong đó năng suất lúa bình quân đạt 70,5 tạ/ha, cá biệt có hộ đạt 85-90 tạ/ha, riêng lúa giống năng suất trung bình là 80-90 tạ/ha. Trong vụ đông-xuân có 2 mô hình được triển khai trên cây lúa đạt kết quả khả quan là mô hình “Cùng nông dân ra đồng” thực hiện với diện tích 17 ha tại xã Phước Thái và mô hình “1 phải, 5 giảm” ứng dụng trên diện tích 10 ha ở xã Phước Hậu. Ngoài ra còn có mô hình trồng Rau an toàn với diện tích 41 ha ở An Hải rất có triển vọng. Đáng chú ý là đã có 40 ha cây nho trồng mới, nâng diện tích lên 228 ha, đạt 95% kế hoạch năm. Anh Thiên Nhàn, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện cho biết: “Các mô hình trên cây lúa, ngoài nâng cao năng suất, còn giúp nông dân tiết kiệm được trên 3 triệu đồng/ha do giảm lượng giống gieo, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, lại còn được chuyển giao các kỹ thuật mới trong canh tác”. Đến xã Phước Hậu, một xã điển hình về quy hoạch sản xuất lúa giống của huyện Ninh Phước với diện tích 300 ha, chúng tôi ghi nhận được nông dân làm lúa giống đã lãi gấp 1,8 lần so với lúa thương phẩm.
Nông dân huyện Ninh Phước áp dụng mô hình tưới tiết kiệm nước trong sản xuất
đạt hiệu quả kinh tế cao. Trong ảnh: Chăm sóc hành lá. Ảnh: Văn Miên
Theo phòng NN-PTNT huyện, vụ đông-xuân và hè-thu năm nay, trong tổng diện tích gieo trồng 10.352 ha lúa, 1.450 ha bắp, có 392 ha lúa giống và 40 ha bắp giống. Trong những năm qua, sản xuất giống trong nông nghiệp đã được Ninh Phước tập trung chỉ đạo nhân rộng mô hình liên kết “4 nhà” trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Toàn huyện đã quy hoạch các vùng chuyên canh lúa giống và vùng chuyên canh bắp lai giống tại các xã trọng điểm nông nghiệp. Sản xuất giống được coi là tiềm năng lợi thế của Ninh Phước nhằm đưa sản xuất nông nghiệp phát triển ngày càng tăng về qui mô, sản lượng, chất lượng và sức cạnh tranh hàng hóa nông sản trên thị trường. Tuy nhiên theo đồng chí Phạm Y, Phó Chủ tịch UBND huyện: “Sản xuất giống và liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thực chất vẫn còn hạn chế về tính bền vững, vì vậy Ninh Phước chỉ đạo phải thực hiện chặt chẽ khâu ký kết hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm đối với các doanh nghiệp, chú trọng sản xuất giống lúa và bắp lai chất lượng cao”. Đặc biệt dù chỉ có 3 km bờ biển của xã An Hải, nhưng sản xuất giống thủy sản và nuôi tôm thương phẩm của Ninh Phước đang phát triển mạnh. Tính đến hết tháng 7, với 60 trại sản xuất tôm giống (bao gồm các công ty, các hộ gia đình) đang hoạt động, đã xuất bán 3,729 tỷ con Post 15, đạt gần 50% kế hoạch năm. Tôm thịt đã thả nuôi với diện tích 86,2 ha, sản lượng trên 854 tấn, đạt 65,7% kế hoạch năm.
Xác định vai trò quan trọng của sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn trong cơ cấu kinh tế, nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Ninh Phước nhiệm kỳ 2011-2015 đã nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất các loại cây trồng, chú trọng tạo thương hiệu nho Ninh Phước và tập trung xây dựng mô hình nông thôn mới. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay Ninh Phước đang phối hợp với Chi cục Phát triển Nông thôn thực hiện các dự án đầu tư sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2011, đó là: sản xuất 70 ha lúa giống nguyên chủng tại xã Phước Thái và 30 ha ở xã Phước Hữu, sản xuất 1 ha hành tím và 6 ha bắp lai tại xã Phước Vinh. Từ nay đến cuối năm, tiếp tục thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng an toàn sản phẩm nông nghiệp” và dự án cạnh tranh nông nghiệp; Chương trình “cùng nông dân ra đồng” và mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa. Đồng thời phối hợp thực hiện Đề án Xây dựng nông thôn mới ở 3 xã Phước Thái, Phước Vinh và Phước Sơn; Dự án hỗ trợ tam nông tại 3 xã Phước Vinh, Phước Thái và An Hải. Đối với thủy sản, tăng cường phối hợp các ngành chức năng trong quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản; tiếp tục chỉ đạo tập trung công tác phòng, chống dịch bệnh đốm trắng ở tôm.
Để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu năm 2011, nhất là bảo đảm đạt và vượt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 11,87%, ngoài chương trình công tác trọng tâm đã đề ra từ đầu năm và các giải pháp thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ, Ninh Phước đang tập trung chỉ đạo thúc đẩy sản xuất nông nghiệp; đầu tư phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và xây dựng. Trước mắt nhiệm vụ trọng tâm của Ninh Phước là chăm sóc cây trồng vụ hè-thu và triển khai kế hoạch sản xuất vụ mùa với tổng diện tích cây hàng năm 7.196 ha gắn với thực hiện tốt công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai.
Vân Tuyền
Đồng chí Phạm Y, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước:Thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, tổng giá trị sản xuất các ngành đã đạt 57,2% kế hoạch năm, đặc biệt nông ngư lâm nghiệp đã tăng 44,1%, công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và xây dựng tăng 98,6%, thương mại-dịch vụ tăng 52% so với cùng kỳ năm 2010; thu ngân sách trên địa bàn đã đạt 51% kế hoạch năm. Sự tăng trưởng mạnh của kinh tế có thể thấy rõ qua diện tích cây hàng năm vụ đông xuân và hè thu gần gấp đôi cùng kỳ, riêng vụ đông xuân nông dân vừa trúng mùa, vừa được giá. Toàn huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các biện pháp theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính Phủ, ngoài thực hiện chỉ tiêu tiết kiệm 10% chi thường xuyên, Ninh Phước đã rà soát tạm dừng thi công 5 công trình, giảm vốn 1 công trình, với tổng vốn 2,209 tỷ đồng để tập trung vốn cho các công trình, dự án cấp thiết và có khả năng hoàn thành trong năm nay. Từ nay đến cuối năm, Ninh Phước tiếp tục thực hành tiết kiệm trong chi tiêu nhằm bảo đảm cân đối ngân sách; tập trung huy động vốn tín dụng, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đầu tư, trong đó ưu tiên cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Đồng chí Trần Khánh Ninh, Chủ tịch UBND xã An Hải, huyện Ninh Phước:So với các địa phương khác trong huyện, An Hải có nhiều lợi thế để phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản và đã góp phần không nhỏ vào việc đưa kinh tế của địa phương ngày càng có bước tăng trưởng khá. Chỉ tính riêng trong những tháng đầu năm 2011, địa phương đã phát triển diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng với tổng diện tích 65 ha, sản lượng ước đạt 438 tấn. Về sản xuất tôm giống, hiện toàn xã có 238 cơ sở, hàng năm sản xuất khoảng 7.500 triệu con tôm post, đáp ứng kịp thời về nhu cầu giống cho người nuôi trong và ngoài tỉnh. Với lợi thế đó, hiện địa phương đang được tỉnh chọn để quy hoạch thành Trung tâm Sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước với quy mô 70 ha. Cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương tiếp tục huy động các nguồn lực, khai thác tốt mọi tiềm năng và lợi thế để đưa kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển theo hướng bền vững hơn.
Đồng chí Nguyễn Như Hùng Triết, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước:Qua gần một năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2011-2015, kinh tế - xã hội của xã Phước Hậu đã có nhiều chuyển biến đáng kể. Tổng giá trị sản xuất đạt trên 98 tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp trên 78 tỷ đồng, đạt 80,1% kế hoạch. Để đưa kinh tế địa phương tiếp tục phát triển, thời gian tới ngoài việc phối hợp các sở, ngành của tỉnh và Trung tâm giống cây trồng Nha Hố triển khai mô hình “1 phải, 5 giảm” và thâm canh lúa giống để tăng cường áp dụng các ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới, nâng cao hiệu quả khuyến nông, khuyến ngư vào sản xuất, địa phương còn chú trọng công tác lai tạo giống đàn bò, dê, cừu và nạc hoá đàn heo. Phấn đấu đến cuối năm 2011 đảm bảo diện tích gieo trồng 2.940 ha, sản lượng lương thực đạt 15.840 tấn theo kế hoạch đề ra.