Trên cánh đồng kiệu ở các xã: Lương Sơn, thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn)... không khí thu hoạch kiệu của người dân diễn ra nhộn nhịp. Để kịp cho thương lái thu mua, nông dân tập trung nhổ kiệu từ sáng sớm và buổi tối. Những gia đình trồng kiệu phải thuê nhân công ở địa phương làm. Ông Nguyễn Tân ở thôn Trà Giang 3, xã Lương Sơn cho biết: Vụ kiệu Tết là vụ chính trong năm do đó năm nào gia đình tôi cũng trồng để tăng thu nhập cho gia đình. Hiện nay đang là thời gian cao điểm thu hoạch củ kiệu nên cần đông lao động để thu hoạch cho kịp vận chuyển đến thị trường ngoài tỉnh. Việc thu hoạch vào ban đêm nhằm đảm bảo cho củ kiệu được tươi ngon, giữ được vị cay nồng khi đến tay người tiêu dùng. Vụ kiệu Tết năm nay nhờ thời tiết thuận lợi, kiệu đạt năng suất khá cao nên người trồng kiệu có lãi hơn năm ngoái.
Nông dân huyện Ninh Sơn vào vụ thu hoạch kiệu Tết.
Tại vùng trồng kiệu ở các xã: Phước Đại, Phước Chính, Phước Thắng, Phước Tiến, Phước Hòa (Bác Ái)... không khí thu hoạch kiệu của người dân cũng diễn ra nhộn nhịp từ sáng sớm đến chiều tối. Vụ kiệu Tết năm nay, gia đình ông Ngô Nguyên Vỹ ở huyện Ninh Sơn thuê gần 3,5ha tại thôn Ha Lá Hạ, xã Phước Thắng để sản xuất. Sau hơn 4 tháng trồng và chăm sóc, những ngày này gia đình ông đang thuê nhân công tập trung thu hoạch củ kiệu bán cho thương lái. Ông Vỹ cho biết: Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi nên cây kiệu phát triển tốt, đặc biệt giai đoạn kiệu đang làm củ gặp thời tiết se lạnh vào buổi chiều tối nên củ kiệu to, đều, đạt năng suất hơn năm ngoái. Hiện tại giá bán từ 30.000-32.000 đồng/kg tùy theo chất lượng và kích cỡ nên bà con rất phấn khởi, đón Tết đầm ấm.
Vụ kiệu Tết năm nay, các huyện: Ninh Sơn và Bác Ái sản xuất trên 130ha, sản lượng ước đạt khoảng 1-1,2 tấn/ha. Củ kiệu nơi đây được biết đến với hương vị thơm, giòn và ngọt. Sau khi thu hoạch, một phần kiệu bán tại địa phương, số còn lại được thương lái thu gom bán ở tỉnh Bình Thuận, TP. Hồ Chí Minh, một số tỉnh miền Tây Nam Bộ. Đang trong thời gian cao điểm phục vụ thị trường Tết, nên hàng trăm lao động ở địa phương có thêm việc làm để nâng cao thu nhập cho gia đình. Chị Chamaléa Thị Lắm ở thôn Ha Lá Hạ, xã Phước Thắng chia sẻ: Năm nào cũng vậy, cứ vào vụ kiệu Tết, bà con trong thôn có việc làm và thu nhập ổn định từ việc trồng, chăm sóc và thu hoạch kiệu với mức thu nhập ổn định từ 170.000-200.000 đồng/ngày; đặc biệt, vào cao điểm thu hoạch kiệu, có người thu nhập trên 300.000 đồng/ngày, nhờ đó giúp bà con có thêm thu nhập để mua sắm Tết.
Bà Ngô Thị Cúc, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bác Ái, cho biết: Những năm gần đây, tận dụng nguồn nước ở hồ Sông Sắt, Trà Co, Sông Cái, Tân Mỹ, nhiều hộ đã mạnh dạn mở rộng diện tích sản xuất kiệu vụ Tết. Phòng thường xuyên tập trung tuyên truyền, hỗ trợ nông dân thực hiện các mô hình chuyển giao khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, đa số diện tích kiệu vụ Tết của bà con sinh trưởng và phát triển tốt, đạt năng suất khá cao. Hiện nay, đang vào chính vụ thu hoạch củ kiệu, nhờ đạt năng suất nên nhiều hộ có lãi cao hơn năm ngoái.
Kha Hân