Ninh Phước: Tập trung sản xuất vụ đông - xuân năm 2024-2025

Xác định vụ đông - xuân 2024-2025 là vụ chính trong năm, thời điểm này, nông dân huyện Ninh Phước đang tập trung cày ải, xuống giống đúng khung lịch thời vụ, đảm bảo có một vụ mùa bội thu.

Trên những cánh đồng của xã Phước Thái trong những ngày này, chúng tôi ghi nhận không khí lao động khẩn trương, bà con tranh thủ làm đất xuống giống cây trồng. Anh Sử Văn Thương, thôn Hoài Ni chia sẻ: Mấy vụ gần đây giá lúa tăng cao nên người trồng lúa đều có lãi nên rất phấn khởi. Với 4 sào lúa vụ đông - xuân, gia đình đã xuống giống trên 40% diện tích. Trước đó, tôi đã vệ sinh kỹ mặt ruộng, chuẩn bị đầy đủ giống TH6 và tập trung gieo sạ đảm bảo khung lịch thời vụ theo khuyến cáo của ngành chức năng... Xã Phước Thái có diện tích gieo trồng vụ đông - xuân 922ha. Để vụ đông - xuân đạt hiệu quả, xã đã chỉ đạo cho các thôn vận động nông dân xuống giống đúng khung lịch thời vụ. Đồng thời, khuyến cáo về giống, kỹ thuật chăm sóc cây trồng; chỉ đạo cho các tổ thủy nông tổ chức nạo vét hệ thống kênh mương nội đồng đảm bảo nước tưới cho từng xứ đồng; vận động nông dân sử dụng nước tưới tiết kiệm; tăng cường theo dõi tình hình dịch bệnh trên cây trồng.

Nông dân xã Phước Thái (Ninh Phước) làm đất xuống giống vụ đông - xuân năm 2024-2025.

Thực hiện kế hoạch sản xuất vụ đông - xuân năm 2024-2025, căn cứ lượng nước tại các hồ, huyện Ninh Phước dự kiến xuống giống 8.672ha. Trong đó, diện tích lúa 4.738ha, cây bắp 894ha, rau màu các loại 1.354ha, cỏ chăn nuôi 447ha, cây lâu năm nho, táo 1.138ha; duy trì và nhân rộng mô hình cánh đồng sản xuất lúa, bắp, măng tây xanh, với diện tích 2.348ha. Đồng chí Huỳnh Tuấn Anh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Phước cho biết: Để đảm bảo đúng tiến độ sản xuất, sau khi người dân thu hoạch xong vụ hè - thu, huyện chỉ đạo cho các xã, thị trấn hướng dẫn nông dân làm đất, thực hiện việc gieo trồng đúng khung thời vụ. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng mô hình sản xuất hiệu quả, nhằm nâng cao chất lượng, năng suất cây trồng.

Ngành nông nghiệp huyện cũng đã khuyến cáo nông dân nên chọn các loại giống lúa xác nhận, giống có năng suất cao, có khả năng chống chịu được sâu bệnh tốt, dễ chăm sóc, chất lượng tốt, như: Đài thơm 8, ML202, TH6, TH41...; các giống bắp NK66, NK67, VN8960; giống đậu xanh HL89-E3, HL28, ĐX 208... Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, huyện đã triển khai các giải pháp như tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân áp dụng kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, khuyến cáo sử dụng giống từ cấp xác nhận trở lên, giống chống chịu sâu bệnh tốt cho năng suất cao; vận động nông dân sử dụng phân bón cân đối, hợp lý và hiệu quả; quản lý nước trong ruộng theo từng giai đoạn sinh trưởng và chủ động tưới theo quy trình sản xuất. Ngành cũng khuyến cáo nông dân thời gian bắt đầu xuống giống vụ đông- xuân từ ngày 20/12/2024 đến 20/1/2025.

Đối với những diện tích đất không chủ động nguồn nước tưới, đất trồng lúa và đất màu kém hiệu quả, huyện vận động nông dân chuyển đổi, luân canh sang trồng các loại cây trồng cạn, sử dụng ít nước tưới, tránh tình trạng bỏ hoang đất. Theo đó, trong vụ đông - xuân 2024-2025, toàn huyện thực hiện chuyển đổi 54,5ha từ đất lúa, đất màu sang cây trồng ngắn ngày. Tùy theo điều kiện cụ thể và chủng loại cây trồng để có phương án gieo trồng phù hợp, gắn liên kết với doanh nghiệp và các hợp tác xã trên địa bàn tổ chức sản xuất, bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch. Cùng với các biện pháp chỉ đạo kỹ thuật, huyện còn giao ngành chức năng làm tốt công tác dự báo mức độ sinh vật gây hại trên các loại cây trồng để sử dụng các loại thuốc đặc hiệu phòng trừ hiệu quả cũng như xây dựng phương án điều tiết nước xuyên suốt mùa vụ, đảm bảo cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt.

Để giúp nông dân sản xuất vụ đông - xuân 2024-2025 đạt hiệu quả, huyện chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với trạm thủy nông, trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu hại trên các loại cây trồng ngay từ đầu mùa vụ; thực hiện tốt khâu dự báo phòng ngừa sâu bệnh trên cây trồng để có hướng xử lý, bảo vệ hiệu quả. Trạm Thủy nông huyện phối hợp với các địa phương thường xuyên nạo vét kênh mương nội đồng, xây dựng phương án điều tiết nước hợp lý cho từng vùng, từng xứ đồng, đảm bảo nguồn nước tưới cho sản xuất đạt hiệu quả.