Năm 2024: Doanh thu hoạt động thương mại, dịch vụ tăng khá

Trong năm 2024, lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường dồi dào, đa dạng, phong phú và nhiều chủng loại đáp ứng nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của người dân, nhất là các dịp lễ, tết... Nhờ đó, đã góp phần làm tăng doanh thu hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Tính chung cả năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 43,3 nghìn tỷ đồng, tăng 13,9% so với năm trước.

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu du lịch lữ hành đạt 0,018 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,04% và tăng 20%. Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 32,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 75,8% và tăng 13,7% so với năm trước. Trong đó, ngành hàng phương tiện đi lại tăng cao nhất với 15,8%; may mặc tăng 14,2%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 13,5%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 12,1%; lương thực, thực phẩm tăng 12%. Sự tăng trưởng này phản ánh nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ đối với các mặt hàng thiết yếu, khi nhiều doanh nghiệp và cửa hàng đã triển khai các chương trình khuyến mãi đa dạng để kích cầu.

Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm tại Siêu thị WinMart. Ảnh: V.Miên

Ngoài ra, trong năm 2024 công tác xúc tiến, quảng bá giới thiệu thế mạnh và tiềm năng của địa phương được đẩy mạnh, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch và nghỉ dưỡng. Dịp lễ 30/4 và 1/5, tuyến phố đi bộ tại Tp. Phan Rang - Tháp Chàm chính thức khai trương, với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật phong phú như lễ hội, trình diễn nghệ thuật, trò chơi dân gian, ảo thuật, thư pháp, trưng bày sản phẩm OCOP và văn hóa ẩm thực, thu hút đông đảo du khách. Nhờ đó, đưa doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 6,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 15,9% và tăng 15,7%; trong đó, doanh thu từ dịch vụ lưu trú tăng 24,8% và ăn uống tăng 13,8% so với năm 2023. Doanh thu dịch vụ khác đạt 3,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,3% và tăng 12,5%, nhờ các dịch vụ kinh doanh bất động sản tăng 7,10%; dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 13,0%; dịch vụ giáo dục và đào tạo tăng 6,77%; dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 12,84%; dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 12,33%; dịch vụ khác tăng 15,52%...

Về mặt bằng giá, tính chung năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,79% so với bình quân năm trước. Nguyên nhân CPI tăng chủ yếu là do một số mặt hàng tăng giá, trong đó giá gạo tăng mạnh vào các tháng đầu năm do nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước tăng, giá gạo xuất khẩu tăng làm giá gạo trong nước cũng như giá gạo ở địa phương tăng kéo theo các sản phẩm chế biến từ gạo tăng 7,26%, tác động làm CPI mặt hàng lương thực tăng 0,74 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, giá thịt heo tăng 8,15%, do thiếu hụt nguồn cung vào các tháng đầu năm, tác động làm CPI chung tăng 0,29 điểm phần trăm. Một nguyên nhân khác, đó là chỉ số giá nhóm điện sinh hoạt tăng 8,06% do nhu cầu sử dụng điện tăng và cơ chế điều chỉnh mức giá điện bán lẻ bình quân, giá điện điều chỉnh tăng theo Quyết định số 2699/QĐ-BCT ngày 11/10/2024 của Bộ Công Thương, tác động làm CPI chung tăng 0,23 điểm phần trăm. Mặt khác, chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 4,20%, làm CPI chung tăng 0,19 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế từ ngày 17/11/2023. Giá vàng miếng tăng mạnh đẩy giá mặt hàng trang sức các loại tăng 29,75%, tác động làm CPI chung tăng 0,01 điểm phần trăm.

Riêng hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi các biện pháp phòng vệ thương mại của quốc gia nhập khẩu, các cuộc xung đột vũ trang trên thế giới, lạm phát tăng, người dân các nước thắt chặt chi tiêu làm cho số lượng các đơn hàng giảm đáng kể. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2024 đạt 213 triệu USD, giảm 13,3% so với năm trước; trong đó xuất khẩu đạt 113 triệu USD, giảm 11,4%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu trong năm gồm: Thủy sản ước đạt 23 triệu USD, giảm 61,5% so cùng kỳ; nhân điều ước đạt 25 triệu USD, giảm 16,7%; mặt hàng khác như khăn lông, thạch nha đam... ước đạt 65 triệu USD, tăng 99,4% so với cùng kỳ năm trước. Điểm sáng của hoạt động xuất nhập khẩu trong năm 2024 là ngành gia công các mặt hàng may mặc; các doanh nghiệp đã có đơn hàng ổn định, có sự tăng trưởng rất cao so với cùng kỳ và khả năng mở rộng sản xuất nâng cao kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.