Bác Ái đẩy mạnh phát triển hợp tác xã

Những năm gần đây, hoạt động của các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Bác Ái đã có sự phát triển về quy mô và đa dạng ngành nghề, lĩnh vực kinh tế. Qua đó đã thu hút, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Với mong muốn mang đến những sản phẩm nông nghiệp an toàn cho người tiêu dùng, giữa năm 2019, anh Nguyễn Trọng Hạnh, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao (CNC) Nam Miền Trung đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC tại xã Phước Tiến với mô hình trồng dưa lưới và dưa lê ứng dụng CNC. Bên cạnh đó, anh còn ứng dụng những công nghệ mới vào sản xuất như công nghệ tưới nước nhỏ giọt của Israel, nhằm cung cấp nước vào rễ cây, giúp tiết kiệm 30-60% lượng nước và phân bón thông thường. Bằng sự kiên trì, chịu khó, mô hình nông nghiệp CNC của anh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, mỗi năm HTX cung cấp từ 80-100 tấn dưa lưới ra thị trường, lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó còn giúp giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động tại địa phương, với thu nhập khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. Anh Hạnh, cho biết: Thời gian đầu lên vùng đất Bác Ái khởi nghiệp với mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, nhiều người cho rằng mình sẽ khó thành công với mô hình này. Nhưng bằng sự kiên trì và không ngừng nghiên cứu đã giúp mô hình thành công. Thời gian qua, được cơ quan chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ, HTX đã tham gia Chương trình OCOP với sản phẩm dưa lưới SunFarm, kết quả được hội đồng đánh giá và xếp hạng đạt 3 sao cấp tỉnh trong năm 2022.

Mô hình trồng dưa lưới của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Nam Miền Trung.

Trên địa bàn xã Phước Chính cũng có 3 HTX: HTX Quang Khánh; HTX Nông nghiệp Dịch vụ tổng hợp Phước Chính; HTX Dịch vụ tổng hợp môi trường Huấn Thảo hoạt động khá hiệu quả trên các lĩnh vực trồng trọt; chăn nuôi; cung ứng vật tư nông nghiệp. Trong đó điển hình là HTX Nông nghiệp Dịch vụ tổng hợp Phước Chính đã liên kết trên 200 hộ dân sản xuất lúa, mì cao sản, bắp và các loại đậu với diện tích trên 100ha. Trong đó, lúa là cây liên kết chủ lực của HTX, chiếm 50% diện tích sản xuất lúa trên địa bàn xã. Việc liên kết giữa HTX với nông dân không chỉ giúp nâng cao năng suất, sản lượng các loại cây trồng mà còn làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân ở địa phương, góp phần giúp bà con nâng cao thu nhập. Bà Chamaléa Hội ở thôn Núi Rây, chia sẻ: Vụ mùa năm nay gia đình tôi xuống giống gần 5 sào lúa giống TH6, nhờ được HTX đầu tư phân, thuốc nên giúp năng suất lúa đạt trên 6 tạ/sào. Sau khi trừ chi phí gia đình tôi có lãi hơn 3 triệu đồng/sào, giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định để phát triển kinh tế và tái sản xuất vụ đông - xuân tới.

Hiện nay trên địa bàn huyện Bác Ái có 17 HTX đang hoạt động trên các lĩnh vực trồng trọt; chăn nuôi; cung ứng vật tư nông nghiệp; bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân... ở địa bàn 9/9 xã. Nhờ đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ, nhiều sản phẩm của các HTX đã có chỗ đứng trên thị trường, đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Xác định tham gia Chương trình OCOP là cơ hội để quảng bá, nâng cao giá trị các sản phẩm thế mạnh của địa phương, thời gian qua, huyện Bác Ái đã chỉ đạo các phòng, ban, địa phương tập trung thực hiện, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và hỗ trợ các chủ thể sản xuất, kinh doanh tham gia. Thông qua chương trình, trên địa bàn huyện bước đầu đã tạo sự lan tỏa đến hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản có tác động tích cực đến việc phát triển các mô hình sản xuất mới; ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản. Chương trình triển khai từ năm 2020, đến nay huyện Bác Ái có 4 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao cấp tỉnh, gồm: Gạo sạch Phước Chính, dưa lưới SunFarm, hạt điều Đồng Thuận và rượu chuối hột mồ côi.

Để góp phần nâng cao vai trò của mô hình HTX trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, thời gian tới huyện Bác Ái tiếp tục khuyến khích các HTX đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh sản phẩm có lợi thế của địa phương gắn với xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục chỉ đạo phát triển đa dạng các loại hình HTX. Qua đó giúp người dân nâng cao thu nhập và góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương.