Nhu cầu tuyển lao động phổ thông tăng cao

Trong những tháng cuối năm 2024, nhu cầu tuyển lao động của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực may mặc. Thị trường lao động khởi sắc đang tạo nhiều cơ hội việc làm cho người lao động (NLĐ). Tuy nhiên, theo đại diện các DN, tình hình tuyển dụng lao động đang gặp khó khăn, nhất là lao động phổ thông ở các ngành nghề.

Ghi nhận tại các phiên giao dịch việc làm gần đây cho thấy, thị trường lao động đang có những đối nghịch về cung - cầu. Mặc dù nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN tăng cao nhưng số lao động đến phỏng vấn, tìm việc rất hạn chế. Nhiều DN đã phải tăng các phúc lợi và có chế độ thưởng đối với lao động mới để thu hút nhân lực. Chị Võ Thị Thanh Trúc, bộ phận nhân sự của Công ty TNHH MTV May mặc và Dịch vụ Minh Sơn ở Khu công nghiệp Thành Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) cho biết: Hiện nay, công ty đã ký kết đơn hàng đến giữa năm 2025 và chuẩn bị đưa vào hoạt động thêm một xưởng mới nên cần tuyển gần 500 lao động phổ thông vào làm việc. Tuy nhiên, việc tuyển dụng đang gặp khó khăn, dù đưa ra nhiều chính sách hấp dẫn, thậm chí chấp nhận đào tạo công nhân chưa có tay nghề để đáp ứng nguồn nhân lực cho xưởng mới, song công ty chỉ nhận được vài chục bộ hồ sơ ứng tuyển của NLĐ.

Công nhân Công ty TNHH MTV May mặc và Dịch vụ Minh Sơn vào ca sản xuất.

Tương tự, Công ty Cổ phần Sản xuất và Đầu tư Hoàng Thành Đô Lương ở Khu công nghiệp Du Long (Thuận Bắc) cũng liên tục tham gia các phiên giao dịch việc làm để tìm nhân lực. Ông Nguyễn Trung Duy, Trưởng phòng Hành chính - Nhân sự của công ty cho biết: Với tình hình sản xuất ổn định và đang mở rộng thêm quy mô, công ty đang cần thêm nhiều lao động. Tuy nhiên, tình hình chung hiện nay là các DN đều gặp khó khăn trong tuyển dụng, số lao động tuyển được không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất. Đây là thách thức lớn của DN và nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất các đơn hàng đã ký.

Theo tổng hợp tại phiên giao dịch việc làm diễn ra vào ngày 20/11 vừa qua, các DN trong tỉnh đang có nhu cầu tuyển dụng hơn 3.000 lao động ở nhiều vị trí việc làm khác nhau như: Công nhân sản xuất, nhân viên kỹ thuật, kế toán, nhân viên thị trường, tư vấn bán hàng, quản lý kinh doanh, marketing, công nhân may... Tuy vậy, chỉ có khoảng 50 lượt người tham gia tư vấn việc làm và phỏng vấn. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, thời gian qua, nhiều DN bố trí nhân lực về tận các thôn, xã để tuyển lao động; đồng thời liên kết các trường đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh tiếp nhận sinh viên vào thực tập, thử việc nhằm giải được bài toán thiếu hụt lao động, nhất là lao động đòi hỏi về kỹ thuật, điện, cơ khí. Những sinh viên vào thực tập ngoài cơ hội trải nghiệm công việc thực tế, trong quá trình thực tập còn được nhận phụ cấp, hỗ trợ cơm trưa và nhiều đãi ngộ khác. Đại diện Công ty TNHH Dệt Nhuộm Ninh Thuận ở Khu công nghiệp Du Long (Thuận Bắc) cho biết: Với tình trạng tuyển lao động khó khăn, công ty đã liên kết với các trường đào tạo nghề nhận sinh viên vào thực tập có trả lương và sẵn sàng bố trí việc làm sau khi sinh viên tốt nghiệp với mức lương ưu đãi. Đa số sinh viên được tuyển dụng không chỉ đáp ứng nhu cầu của DN, mà còn gắn bó hơn so với lao động do DN tự tuyển.

Theo các DN, một trong những nguyên nhân thiếu lao động là NLĐ nghỉ việc nhiều để rút bảo hiểm xã hội một lần hoặc chuyển sang việc khác. Mặt khác, lao động là đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã miền núi sau thời gian vào công ty làm việc thường xin nghỉ khi vào vụ nương rẫy, hoặc đi các tỉnh Tây Nguyên hái cà phê, hồ tiêu khi vào mùa nên DN khó tìm nguồn lao động “đắp” vào khoảng trống này. Trong khi đó, lao động mới tuyển phải mất quá trình đào tạo tay nghề mới có thể thích ứng với công việc. Để đáp ứng nguồn lực cho các DN sản xuất các đơn hàng cuối năm và dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, theo ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh sẽ đẩy mạnh các phiên giao dịch việc làm để kết nối cung - cầu lao động; đồng thời, tuyên truyền thông tin tuyển dụng trên các phương tiện truyền thông, các nền tảng mạng xã hội để NLĐ, nhất là lao động thất nghiệp, lao động mất việc làm biết, dự tuyển, sớm trở lại thị trường lao động.