Khác với trước đây, có đất, có rẫy nhưng vẫn phải loay hoay với câu chuyện trồng cây gì, nuôi con gì thì nay anh Bà Rá Thừa, ở thôn Rồ Ôn, xã Phước Hà phấn khởi hơn hẳn khi tìm được cho mình hướng đi mới nhờ sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương. Tháng 5/2024, anh Thừa được nhận 10 con heo lai đen từ Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Được cán bộ thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn cách chăm sóc, đến nay, qua 6 tháng đã có 3 con sinh sản và 2 con đang cấn chửa, chuẩn bị sinh.
Nuôi heo đen lai mở ra hướng đi mới cho nông dân xã Phước Hà.
Anh Thừa phấn khởi: Trước đây nuôi gì trồng gì cũng khó vì vốn không có, đất đai thì thiếu nước. Giờ có đàn heo làm “vốn”, tôi sẽ học hỏi và chăm sóc thật tốt, mong sớm có thu nhập.
Vui mừng với gia đình anh Thừa, dịp này, chị Chamaléa Thị Hận, vợ anh được hưởng lợi từ Dự án “Nước và sự sống” giải quyết mối liên hệ của phụ nữ dễ bị tổn thương ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn tại Ninh Thuận. Thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phước Hà chị Hận được nhận hỗ trợ 10 triệu đồng. Vợ chồng anh Thừa tính toán sẽ mua thiết bị, lắp đặt đường ống dài 1km đưa nước từ trên núi về để cải thiện hệ thống tưới tiêu trồng cây mì làm nguyên liệu phục vụ chăn nuôi.
Chị Bà Rá Thị Thủy, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phước Hà cho biết: Hiện nay, Hội Phụ nữ xã đang quản lý 2 mô hình hỗ trợ sinh kế cho hội viên, gồm mô hình chăn nuôi bò cái sinh sản, triển khai từ tháng 9/2023. Với mô hình này, có 12 gia đình hội viên phụ nữ tại thôn Giá và thôn Rồ Ôn thuộc diện thụ hưởng với tổng kinh phí được hỗ trợ hơn 236 triệu đồng. Đến nay, qua một năm triển khai, có 7 bò cái sinh sản mang lại niềm vui cho các hộ dân. Ngoài ra, từ Dự án “Nước và sự sống” giải quyết mối liên hệ của phụ nữ dễ bị tổn thương ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn tại Ninh Thuận, Hội Phụ nữ Phước Hà có 65 hội viên được hỗ trợ tiền để cải thiện hệ thống nước sinh hoạt và tưới tiêu phục vụ đời sống và sản xuất.
Ông Đoàn Việt Hà, Chủ tịch UBND xã Phước Hà thông tin: Trong số 5 dự án hỗ trợ sinh kế đang triển khai trên địa bàn xã, UBND xã làm chủ đầu tư 3 dự án, triển khai các mô hình: Nuôi heo lai, nuôi bò sinh sản, trồng mít Thái, giải quyết hỗ trợ chuyển đổi nghề và nước sinh hoạt phân tán... tổng vốn đầu tư hơn 4,1 tỷ đồng, có 295 hộ dân được hưởng lợi.
Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có 2 dự án do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Trong đó, 1 dự án nuôi bò sinh sản với tổng vốn 500 triệu đồng, 13 hộ dân được thụ hưởng đã được triển khai. Dự án chuỗi giá trị bò sinh sản đang trong quá trình thực hiện yêu cầu hồ sơ, thủ tục và sẽ hoàn thành trong năm nay hy vọng giúp 42 hộ dân có cơ hội vươn lên thoát nghèo.
Bên cạnh hỗ trợ vốn phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với đặc thù địa phương, thời gian gần đây, xã Phước Hà tích cực tìm kiếm, hợp tác đào tạo, giải quyết việc làm cho người dân theo phương châm “Ly nông bất ly hương”, chú trọng đào tạo các ngành nghề phi nông nghiệp. Trong năm 2024, xã đã mở 3 lớp dạy nghề may kết nối thành công giúp 57 học viên đi làm tại doanh nghiệp trong tỉnh.
Theo ông Đoàn Việt Hà, đây sẽ là hướng đi mà xã đẩy mạnh trong thời gian tới. Bởi thực tế, người dân Phước Hà mặt bằng dân trí thấp, vốn không có, phương thức sản xuất nông nghiệp còn lạc hậu, trong khi đất đai cằn cỗi, thiếu nước nên đầu tư nông nghiệp chậm mang lại hiệu quả. Với ngành nghề phi nông nghiệp như nghề may thì chỉ cần qua 3 tháng đào tạo, người dân có thể đi làm và có thu nhập ngay. Dự tính, năm tới, xã sẽ mở 5 lớp đào tạo nghề may, phấn đấu kết nối, giải quyết việc làm thành công từ 120-150 lao động.
Xã Phước Hà có 985 hộ dân, trong đó, hộ nghèo và cận nghèo là 621 hộ chiếm 63% số dân. Đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân của người dân Phước Hà chỉ đạt 18 triệu đồng/người/năm. Vấn đề hỗ trợ sinh kế, nâng cao thu nhập luôn được các cấp chính quyền địa phương quan tâm, trăn trở. Đa dạng hóa mô hình hỗ trợ sinh kế cho người dân, Phước Hà phấn đấu nâng mức thu nhập của người dân lên 45 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2024 và chạm mức 48 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2025. Đây cũng chính là tiền đề để xã thực hiện thành công mục tiêu giúp 495 hộ thoát nghèo trong năm nay và năm 2025, tiến tới hoàn thành các tiêu chí về thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo để trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2025.
Ngọc Diệp