Cụ thể, để đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã bổ sung và làm rõ các hình thức khám, chữa bệnh (KCB) mới được thanh toán chi phí KCB BHYT như KCB từ xa, KCB y học gia đình, KCB tại nhà.
Cùng với đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có nhiều quy định để tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh trong quá trình chuyển cơ sở KCB. Cụ thể: Trường hợp người tham gia BHYT đi công tác, học tập, làm việc lưu động hoặc tạm trú dưới 12 tháng tại địa phương khác thì được KCB tại cơ sở KCB trên địa phương đó tương đương với tuyến của cơ sở KCB ban đầu ghi trên thẻ BHYT. Trường hợp địa phương đó không có cơ sở y tế tương đương thì người tham gia BHYT được lựa chọn cơ sở KCB khác có tổ chức KCB BHYT ban đầu.
Người tham gia BHYT được hưởng 100% mức hưởng khi KCB tại cơ sở KCB cấp cơ bản hoặc cấp chuyên sâu trong trường hợp chẩn đoán xác định, điều trị một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế. Như vậy, đối với một số trường hợp mắc các bệnh hiếm, hiểm nghèo, cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao... người bệnh không cần phải chuyển tuyến theo quy định mà vẫn được hưởng 100% mức hưởng. Ví dụ như bệnh lý suy tim (mã bệnh: I50) sẽ thuộc danh mục bệnh được KCB tại cơ sở KCB cấp chuyên sâu trên toàn quốc mà không cần giấy chuyển viện.
Hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng danh mục cụ thể các bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo không cần giấy chuyển viện. Thông tư này dự kiến có hiệu lực vào ngày 1/1/2025.
Một điểm nhấn nữa là trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, các quy định được thiết kế hướng đến việc "xóa địa giới hành chính trong chuyển tuyến" như trong KCB.
Thứ nhất, việc chuyển cơ sở KCB không phụ thuộc vào tuyến (xã, huyện, tỉnh, trung ương như trước kia); tạo điều kiện tối đa cho người bệnh giảm thủ tục hành chính khi chuyển cơ sở KCB; quy định 100% mức hưởng khi KCB tại cơ sở KCB cấp cơ bản hoặc cấp chuyên sâu trong trường hợp chẩn đoán xác định, điều trị một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao mà không cần giấy chuyển viện.
Thứ hai, trường hợp người tham gia BHYT đi công tác, học tập, làm việc lưu động hoặc tạm trú dưới 12 tháng tại địa phương khác thì được KCB tại cơ sở KCB trên địa phương đó tương đương với tuyến của cơ sở KCB ban đầu ghi trên thẻ BHYT.
Trường hợp địa phương đó không có cơ sở y tế tương đương thì người tham gia BHYT được lựa chọn cơ sở KCB khác có tổ chức KCB BHYT ban đầu...
Bên cạnh đó, luật cũng quy định, nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản được bổ sung vào đối tượng tham gia BHYT để động viên, khích lệ và có chính sách thỏa đáng với đối tượng chăm sóc sức khỏe nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, công bằng với đối tượng khác ở tổ dân phố. Quy định đối tượng học sinh, sinh viên tiếp tục tham gia theo nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ.
Luật cũng khái quát nguyên tắc phân bổ thẻ BHYT cho cơ sở đăng ký KCB ban đầu và giao Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng căn cứ theo thẩm quyền ban hành quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện về đăng ký KCB BHYT ban đầu.
Luật cũng giảm thời gian cấp thẻ BHYT từ 10 ngày xuống 5 ngày làm việc; bổ sung quy định về cấp thẻ BHYT điện tử.
Để việc triển khai Luật BHYT sửa đổi, bổ sung kịp thời, hiệu quả, BHXH Việt Nam chỉ đạo Ban Thực hiện chính sách BHYT, Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến chủ động, bám sát các bộ, ngành liên quan tham gia xây dựng nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện; đồng thời chuẩn bị nội dung để truyền thông, tập huấn, hướng dẫn cho BHXH các địa phương. BHXH các tỉnh, thành phố chủ động lên kế hoạch, phương án để triển khai luật ngay từ những ngày đầu có hiệu lực; kịp thời đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.
Xuân Bính